Cầu Như Nguyệt được mở rộng đã khắc phục dứt điểm tình trạng tắc nghẽn cục bộ trên tuyến quốc lộ 1.
Hướng ra Thủ đô, hướng ra biển
Nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng và thuộc Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang sở hữu vị trí địa lý chiến lược: cách Thủ đô và sân bay Nội Bài chỉ khoảng 50 km, cách biên giới Việt – Trung 110 km, cách các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 140 km.
Vị trí “cửa ngõ kép” này giúp Bắc Giang có lợi thế vượt trội về logistics, lưu thông hàng hóa và kết nối chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khi số lượng doanh nghiệp đầu tư ngày càng tăng, hạ tầng kết nối bắt đầu lộ rõ nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là tại cầu Như Nguyệt – nút giao huyết mạch trên quốc lộ 1, thường xuyên ùn tắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Theo quy định, việc nâng cấp cầu Như Nguyệt thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải và sử dụng ngân sách trung ương. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, tỉnh Bắc Giang đã chủ động đề xuất cơ chế đặc thù: Dùng ngân sách tỉnh để đầu tư, thay vì chờ nguồn vốn Trung ương. Dự án xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ, mở rộng lên 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, công trình đã giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc kéo dài trên tuyến quốc lộ 1, tạo sự thông suốt cho hoạt động giao thương và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Ông Jing Li – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Blueway Vina (Khu công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên) cho biết: “Từ khi cầu Như Nguyệt được mở rộng, lưu thông thuận lợi hơn nhiều. Việc đưa hàng hóa từ nhà máy ra sân bay hay ngược lại không còn là áp lực”. Là doanh nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử, hoạt động tại Bắc Giang từ năm 2012, Blueway Vina không ngừng mở rộng, hiện tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động. Doanh nghiệp mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ về lao động chất lượng cao để đáp ứng kế hoạch mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Không chỉ tập trung tháo gỡ nút thắt giao thông hướng về Hà Nội, Bắc Giang còn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối hướng ra biển nhằm rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển và mở rộng không gian phát triển. Nổi bật là dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn kết nối với tỉnh Hải Dương (tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng); cùng với đó là kế hoạch phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đầu tư tuyến đường nối huyện Sơn Động (Bắc Giang) với thành phố Hạ Long – trung tâm cảng biển và du lịch lớn nhất miền Bắc.
Giao thông đi trước, mở đường cho tăng trưởng
Xác định giao thông là “đòn bẩy” quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, Bắc Giang luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Trong số nhiều công trình trọng điểm, đường tỉnh 293 còn gọi là “con đường tâm linh” được ví như mạch kết nối sự hồi sinh, khi đánh thức những vùng đặc biệt khó khăn của Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho khu vực miền núi phía Đông của tỉnh.
Giai đoạn 2021–2025, Bắc Giang phân bổ hơn 9.700 tỷ đồng từ vốn đầu tư công cho giao thông, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội toàn tỉnh (khoảng 27 nghìn tỷ đồng từ năm 2021 đến nay). Tỉnh tập trung vào các tuyến giao thông kết nối vùng như cầu Hà Bắc I, II nối Bắc Ninh; cầu Hòa Sơn và đường dẫn; tuyến quốc lộ 37 – quốc lộ 17 kết nối Thái Nguyên; đường nối cảng Mỹ An – quốc lộ 31 – quốc lộ 1 hướng về Lạng Sơn. Đặc biệt, Bắc Giang chú trọng phát triển giao thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách vùng miền và tạo nền tảng phát triển kinh tế đồng đều.
Không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền, người dân Bắc Giang cũng tích cực góp sức trong phát triển hạ tầng giao thông. Hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, nhiều nơi còn trực tiếp tham gia bảo vệ, chỉnh trang kết cấu hạ tầng sau khi công trình hoàn thành. Nhờ sự đồng thuận cao từ Nhân dân, mạng lưới đường tỉnh của Bắc Giang đã có bước phát triển đột phá. Từ năm 2021 đến 2025, toàn tỉnh ước tính mở mới, nâng cấp khoảng 336 km đường tỉnh, vượt gần 100 km so với kế hoạch. Số tuyến đường tỉnh tăng từ 18 lên 37/40 tuyến quy hoạch, tổng chiều dài từ hơn 400 km lên gần 900 km, gấp đôi chỉ sau một nhiệm kỳ.
Những bước tiến lớn về hạ tầng giao thông của Bắc Giang không thể tách rời sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực từ các tỉnh lân cận. Tiêu biểu như dự án cầu Đồng Việt, công trình kết nối chiến lược giữa Bắc Giang và Hải Dương. Dù dự án do Bắc Giang làm chủ đầu tư nhưng quá trình triển khai không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ từ phía Hải Dương, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư tuyến đường đấu nối.
Nhờ hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, Công ty Blueway Vina xuất khẩu sản phẩm thuận lợi hơn.
Ngoài Hải Dương, Bắc Giang còn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giao thông với Quảng Ninh, Bắc Ninh và các tỉnh trong vùng. Với tỉnh Quảng Ninh, để kết nối với đường tỉnh 291 kéo dài từ huyện Sơn Động (Bắc Giang), Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết đầu tư tuyến đường nối dài khoảng 8 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tỉnh này cũng đang thực hiện nhiều dự án kết nối với một số tuyến đường tỉnh của Bắc Giang, mở ra hướng liên kết trực tiếp từ vùng núi phía Đông Bắc ra cảng biển Quảng Ninh.
Trong khi đó, Bắc Ninh vừa khánh thành tuyến đường nối với cầu Hà Bắc II của Bắc Giang, công trình có ý nghĩa chiến lược trong liên kết vùng, nối liền thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) với huyện Yên Phong (Bắc Ninh), tạo trục phát triển công nghiệp – đô thị song hành.
Những tuyến đường, cây cầu nối liền các địa phương không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn kích hoạt dòng chảy kinh tế, văn hóa giữa các vùng. Nhờ giao thông thuận tiện, hàng hóa, nông sản của Bắc Giang như vải thiều, gà đồi, rau củ chế biến có thể đi xa hơn, nhanh hơn, vào sâu hơn các thị trường lớn trong và ngoài nước. Du lịch và dịch vụ cũng được hưởng lợi rõ nét, nhất là các tuyến kết nối vùng tâm linh Tây Yên Tử với Quảng Ninh, Hải Dương. Đó là minh chứng sinh động cho chiến lược "liên kết vùng" mà Bắc Giang đã và đang triển khai bài bản, quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ rệt trên thực tế.
Trong bối cảnh Bắc Giang và Bắc Ninh chuẩn bị hợp nhất thành một tỉnh mới theo chủ trương của Trung ương, bài toán kết nối không gian phát triển càng trở nên cấp thiết. Việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, thông suốt không chỉ để phục vụ tăng trưởng trước mắt mà còn là nền móng cho một giai đoạn phát triển mới, khi hai trung tâm công nghiệp, đô thị lớn ở miền Bắc được sáp nhập để hình thành một cực tăng trưởng mạnh hơn trong vùng Thủ đô.
Theo đồng chí Trần Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ mở ra yêu cầu mới trong quy hoạch hạ tầng vùng. Giai đoạn 2026–2030, tỉnh Bắc Ninh mới (sau sáp nhập) sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các mục tiêu, quan điểm và định hướng phát triển giao thông vận tải, trên cơ sở địa giới hành chính mở rộng.
Mục tiêu là bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các khu, cụm công nghiệp, đô thị với hệ thống giao thông quốc gia, đồng thời khai thác hiệu quả các trục động lực liên vùng. Cùng với đó là bổ sung các tuyến kết nối đối ngoại, thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và các tỉnh giáp ranh. Đây là bước chuẩn bị chiến lược để vùng đất hợp nhất không chỉ liền về địa giới mà còn liền mạch trong tư duy phát triển.
Từ đà tăng trưởng kinh tế liên tục dẫn đầu cả nước, đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghiệp như một động lực chủ đạo, rồi đến chiến lược mở rộng không gian phát triển qua đầu tư hạ tầng và liên kết vùng, Bắc Giang đang từng bước tạo nên thế và lực mới cho mình trong vùng Thủ đô và cả nước. Những cây cầu, con đường, trục giao thông mới không chỉ kết nối địa lý mà còn kết nối cơ hội từ công nghiệp, nông nghiệp đến du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, để quá trình phát triển ấy thực sự bền vững và hài hòa, Bắc Giang cần nghiêm túc nhìn lại những giới hạn, điểm nghẽn vẫn tồn tại từ chất lượng đầu tư, tính liên kết chuỗi, đến thiếu hụt hạ tầng dịch vụ và sức bật từ chính doanh nghiệp, người dân trong tỉnh.
(Còn nữa)
Nhóm PVKT