Giải mã sức hút của 'ông hoàng Kpop' G-Dragon

Giải mã sức hút của 'ông hoàng Kpop' G-Dragon
8 giờ trướcBài gốc
G-Dragon gây sốt khắp châu Á
Korea Joongang Daily ngày 12/5 đưa tin, Galaxy Corporation - công ty quản lý của G-Dragon thông báo, concert vòng quanh thế giới mang tên "Übermensch" tại Nhật Bản của nam ca sĩ chính thức bán hết vé.
Vào ngày 25, 26/5 G-Dragon sẽ trở lại đất nước mặt trời mọc với hai đêm diễn ở Osaka, Nhật Bản.
G-Dragon trong đêm diễn tại Tokyo, Nhật Bản dịp cuối tuần qua.
Trước đó, từ ngày 1/5, Ban tổ chức đã phải mở bán thêm các vị trí có tầm nhìn hạn chế do nhu cầu mua vé liên tục gia tăng trong thời gian ngắn.
Theo mức giá được niêm yết trên website chính thức, khán giả ở Nhật Bản cần bỏ ra từ hơn 2,4-8,7 triệu đồng/ vé để xem trưởng nhóm của BigBang biểu diễn.
Không riêng tại Nhật Bản, trước đó, tất cả các hạng vé cho khoảng 64.000 chỗ ngồi trong 2 đêm diễn tại Hàn Quốc vào ngày 29, 30/3 đã "bay màu" chỉ sau 2 ngày mở bán. Đặc biệt, đợt bán vé chung trên Coupang Play (tại Hàn Quốc) chứng kiến 240.000 người xếp hàng mua vé cùng lúc, và tình trạng "cháy vé" diễn ra chỉ sau 16 phút.
Đáng nói, mức giá concert của G-Dragon thuộc top cao tại Hàn Quốc. Vé chia thành nhiều bậc: 215.000 won (khoảng 3,9 triệu đồng) cho vé VIP, 182.000 won (khoảng 3,3 triệu đồng) cho vé R, 160.000 won (khoảng 2,9 triệu đồng) cho vé S và 149.000 won (khoảng 2,7 triệu đồng) cho hạng vé thấp nhất A.
Mức giá này chỉ dành cho đợt bán trước trong fanclub. Khi vé được bán công khai, mỗi hạng vé cộng thêm 5.000 won (91.000 đồng).
Ba đêm diễn vào ngày 6, 7, 8/5 tại Macau (Trung Quốc) cũng tạo cơn địa chấn khi hơn 1 triệu người xếp hàng trực tuyến để mua vé. Ban đầu, Ban Tổ chức chỉ tổ chức 2 đêm, nhưng hết sạch vé chỉ trong vài phút.
Ngay lập tức, công ty quản lý của G-Dragon đã thông báo bổ sung thêm một đêm diễn thứ 3 tại cùng địa điểm để đáp ứng nhu cầu quá lớn từ người hâm mộ.
Khán giả Tokyo phủ kín Tokyo Dome - một trong những sân khấu danh giá nhất châu Á.
"Übermensch" là concert solo vòng quanh thế giới đầu tiên của G-Dragon sau 8 năm. Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới gần đây nhất của anh vào năm 2017, thu hút 650.000 người hâm mộ với 36 buổi biểu diễn.
Ở chặng châu Á, chuyến lưu diễn kéo dài từ tháng 5-8/2025, đi qua 8 thành phố bao gồm Tokyo (Nhật Bản), Bulacan (Philippine), Osaka (Nhật Bản), Macau (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia) và Hong Kong (Trung Quốc).
Vì sao G-Dragon duy trì sức hút qua nhiều thập kỷ?
Sức hút của G-Dragon không chỉ ở các đêm diễn "cháy vé". Gần 2 thập kỷ trôi qua, G-Dragon vẫn là cái tên được truyền thông săn đón.
"Übermensch" album mới nhất của nam ca sĩ hiện là album của nghệ sĩ solo Hàn Quốc đạt chứng nhận kim cương nhanh nhất trên QQ Music (dịch vụ phát nhạc trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc), chỉ sau 2 giờ mở bán.
Với album này, G-Dragon trở thành nghệ sĩ solo Hàn Quốc đầu tiên đạt chứng nhận kim cương vàng trên QQ Music, với lợi nhuận 15 triệu yên (hơn 2,6 tỷ đồng) từ doanh số 500.000 bản.
Thống kê của AllKpop cho thấy, với 7 lần xuất hiện của nam thần tượng trong các chương trình giải trí đã thu hút hơn 33,8 triệu lượt xem, trung bình 4,83 triệu lượt xem mỗi tập.
Đặc biệt, chương trình "Zip Daesung" phần 1 đạt 15,04 triệu lượt xem, phần 2 đạt 8,74 triệu lượt xem. Các chương trình khác như "Yongtarot" của Lee Yong Jin, "JoNam Zone" của Jo Se Ho, "IU's Palette" của IU và "UV Room" cũng ghi nhận lượt xem ấn tượng dao động từ 1,34 đến 2,94 triệu lượt.
Ngoài ra, màn trình diễn tại "MAMA 2024" của thủ lĩnh nhóm nhạc BigBang đã vượt mốc 60 triệu lượt xem.
Sức ảnh hưởng của G-Dragon còn được minh chứng rõ ràng khi một sản phẩm đồ uống của anh bán hết ngay sau khi được bày bán tại cửa hàng tiện lợi.
G-Dragon chứng minh sức hút sau hàng chục năm bước vào làng giải trí.
Truyền thông Hàn Quốc, quốc tế và nhiều chuyên gia từng không ít lần ca ngợi "G-Dragon sinh ra để làm nghệ sĩ".
Từ một cậu bé 5 tuổi đi hát, trải qua 11 năm thực tập sinh ở 2 công ty giải trí hàng đầu, và từng bước gặt hái thành công vang dội với BigBang, G-Dragon xứng đáng được mệnh danh là "biểu tượng của nhạc Pop Hàn Quốc".
Anh cũng là một trong những thần tượng đa tài nhất Kpop khi vừa có thể đảm nhiệm vai trò ca sĩ, rapper, nhạc sĩ, vừa có thể tham gia sản xuất âm nhạc.
Với 174 ca khúc mang tên mình, G-Dragon được biết đến là ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng bậc nhất ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.
G-Dragon cưỡi xe rồng đi quanh sân khấu tại Tokyo.
Cựu chủ tịch của YG Entertainment - Yang Hyun Suk phải thừa nhận, BigBang chính là nghệ sĩ làm nên YG Entertainment lớn mạnh - 1 trong 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc. Trong đó, G-Dragon là "linh hồn" của BigBang, cũng như của YG.
Không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, G-Dragon còn được mệnh danh là "biểu tượng thời trang" của Kpop. Với phong cách độc đáo, ấn tượng, phi giới tính, mỗi lần xuất hiện, thủ lĩnh BigBang đều tạo cơn sốt về một xu hướng ăn mặc dành cho giới trẻ.
SBS từng nhận định, việc G-Dragon được chọn làm đại sứ toàn cầu của Chanel năm 2016 có ý nghĩa quan trọng, thu hút các thương hiệu xa xỉ chú ý đến Hàn Quốc và chọn các thần tượng Kpop làm gương mặt đại diện.
Phong cách ăn mặc độc đáo của G-Dragon.
"G-Dragon là động lực thúc đẩy định hướng nghệ thuật của BigBang, đồng thời vẫn nổi bật như một người dẫn đầu về thời trang.
Đó là lý do tại sao, sau nhiều năm, anh ấy vẫn được coi là một nghệ sĩ chứ không chỉ là nhân vật đã hết thời. Mọi người vẫn tò mò về những gì anh ấy sẽ làm tiếp theo", The Korea Herald trích lời của nhà phê bình Kim Jakka khi nói về G-Dragon.
Kim Jakka mạnh dạn nhận định danh tiếng của G-Dragon có thể trường tồn trong ngành suốt hàng chục năm qua phần lớn là nhờ vào khả năng phát triển với tư cách một nghệ sĩ solo.
Trong khi đó, nhà phê bình văn hóa Jung Deok Hyun cho rằng, G-Dragon cũng là minh chứng cho việc phá vỡ định kiến tuổi nghề trong ngành giải trí ở Hàn Quốc.
Thực tế, G-Dragon và thế hệ nghệ sĩ cùng trang lứa đã phải trải qua thực tế rằng, mỗi ngày đều có một gương mặt mới, xu hướng ra mắt.
Nam ca sĩ cũng gặp không ít sóng gió đời tư khi vướng bê bối sử dụng ma túy, cáo buộc lạm quyền, tranh cãi thái độ, nghi vấn trì hoãn nhập ngũ.
Tuy nhiên, G-Dragon vẫn chứng minh sức hút bền bỉ nhờ phong cách âm nhạc đa dạng, cá tính riêng biệt và sức sáng tạo không ngừng nghỉ.
"Ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, các thần tượng Kpop thường được coi như những cỗ máy, nhưng G-Dragon đã phá vỡ định kiến. Đây là điều các nghệ sĩ trẻ nên học hỏi từ G-Dragon", nhà phê bình văn hóa Jung Deok Hyun bày tỏ.
G-Dragon tên thật là Kwon Ji Yong. Anh có đam mê âm nhạc từ nhỏ khi 5 tuổi đã theo đuổi nghệ thuật với tư cách thành viên nhóm nhạc nhí Little Roo'ra. 8 tuổi trở thành thực tập sinh của SM Entertainment.
13 tuổi, anh rời SM, đầu quân cho YG Entertainment với đam mê hip-hop và khao khát trở thành một rapper, một nghệ sĩ thực thụ.
Năm 2006, anh chính thức ra mắt với tư cách trưởng nhóm nhạc nam BigBang.
MV "Too bad" của G-Dragon.
Bạch Dương
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/giai-ma-suc-hut-cua-ong-hoang-kpop-g-dragon-19225051219071452.htm