Giải mã thế giới bí ẩn dưới lớp băng Nam Cực

Giải mã thế giới bí ẩn dưới lớp băng Nam Cực
6 giờ trướcBài gốc
Gần 90% diện tích bề mặt Nam Cực bị che phủ bởi một lớp băng dày trung bình khoảng 1,3 dặm (tương đương 2,2 km), tồn tại suốt khoảng 34 triệu năm qua. Dưới lớp băng đó là hệ sinh thái phức tạp gồm nhiều quần xã sinh vật, sông ngầm, hồ chôn vùi, núi non, thung lũng, vi khuẩn cổ đại và tàn tích của những hệ sinh thái đã từng tồn tại hàng chục triệu năm trước.
Johann Klages – nhà trầm tích học tại Viện Alfred Wegener (Đức), chuyên nghiên cứu lịch sử khí hậu Nam Cực – chia sẻ với Live Science: "Thật thú vị khi được khám phá những thế giới quá khứ này và hiểu được sự tiến hóa của lục địa theo thời gian. Điều đó giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự tồn tại của chính con người trên hành tinh này".
Trong một nghiên cứu nổi bật, Klages đã phát hiện hóa thạch hổ phách đầu tiên từng được tìm thấy tại Nam Cực – dấu vết của một khu rừng mưa ôn đới cổ đại từng bao phủ nơi đây hơn 90 triệu năm trước. Ông cho rằng, rất có thể sẽ còn nhiều mẫu hổ phách khác được tìm thấy trong các chuyến thám hiểm tương lai.
Ảnh: Patrick J. Endres.
Nam Cực hiện cũng được xác định có hơn 400 hồ ngầm. Hồ lớn nhất – hồ Vostok – nằm dưới lớp băng dày 2,5 dặm (4 km), gần Trạm Vostok của Nga. Klages đặt giả thuyết rằng, trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt này, hoàn toàn có thể tồn tại các dạng vi khuẩn đặc biệt, thậm chí là các dạng sống chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất do áp suất khổng lồ từ lớp băng bên trên.
Dẫn đầu một nghiên cứu sử dụng công nghệ radar để khảo sát dưới lớp băng, nhà nghiên cứu băng hà Christine Dow thuộc Đại học Waterloo (Canada) đã phát hiện một hệ thống sông ngầm phức tạp dẫn nước vào và ra khỏi các hồ ngầm này. Dow giải thích: "Hãy tưởng tượng một dòng sông chảy vào hồ và rồi chảy ra biển — sau đó bạn đặt thêm 4 km băng lên trên. Áp lực băng khiến dòng chảy hoạt động không theo trọng lực thông thường, thậm chí có thể chảy ngược".
Tuy nhiên, không phải mọi thứ dưới lớp băng đều kỳ thú. Klages cho biết phần lớn chỉ là nền đá kết tinh, chủ yếu là đá granit. Nhưng vẫn có những yếu tố ít thu hút hơn về mặt thẩm mỹ lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiểu cơ chế chuyển động của băng.
Dow nhấn mạnh về tầm quan trọng của các mặt phẳng trầm tích ướt nằm dưới lớp băng, nơi băng trượt nhanh ra đại dương do nổi trên lớp bùn nhão. Cô nói: "Nó không hấp dẫn như những dãy núi hay thung lũng, nhưng lại rất quan trọng để lý giải cách băng di chuyển và tan chảy".
Một trong những mối quan tâm lớn hiện nay là khả năng tan chảy của lớp băng này trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cả Dow và Klages đều đồng tình rằng hiểu rõ điều gì đang diễn ra bên dưới lớp băng là yếu tố then chốt để dự đoán hệ quả khi nó tan rã.
Phần lớn Tây Nam Cực hiện nằm dưới mực nước biển do khối lượng băng quá lớn đè nặng. Dow ví lớp băng như đang nằm trong một cái bát: "Hiện tại nó đang ở mép bát, nhưng khi băng bắt đầu rút lui, nó sẽ lùi sâu vào trong, trở nên nổi hơn và trôi nổi như một khối băng khổng lồ".
Khi các khu vực dưới mực nước biển bị đại dương lấp đầy, hiện tượng này sẽ khiến băng trở nên mất ổn định, dễ vỡ hơn và góp phần đáng kể vào việc làm mực nước biển toàn cầu dâng cao. Dow cảnh báo: "Thời điểm băng bắt đầu rút lui khỏi vành đai là cực kỳ quan trọng. Và chúng ta đang ở đúng thời điểm đó".
Cô kết luận: "Nam Cực là một nơi đầy bất ổn. Nó đẹp, rộng lớn, bí ẩn nhưng cũng thực sự nguy hiểm".
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-the-gioi-bi-an-duoi-lop-bang-nam-cuc/20250516095757085