Giải mã 'thiên thần sa ngã' Boeing

Giải mã 'thiên thần sa ngã' Boeing
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc đình công của hơn 33.000 công nhân Boeing
Cuộc đình công từ ngày 13/09 đã gây ra những tổn thất khá lớn cho Boeing và trong thời gian này, không một máy bay Boeing nào được sản xuất tại nhà máy ở Everett thuộc bang Washington của Mỹ. Một tháng đình công của hơn 30.000 công nhân Boeing tại các nhà máy khu vực Bờ Tây nước Mỹ đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD và phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, lên đến 3,7 tỷ USD.
Ảnh minh họa: Reuters
Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD và đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng sau các sự cố về an toàn gần đây. Boeing mới đây thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người, trong vài tháng tới do việc kinh doanh của công ty đang gặp khó.
Ngoài ra, Boeing cũng đã nộp báo cáo đăng ký với cơ quan quản lý thị trường Mỹ cho phép nhà sản xuất máy bay này huy động tới 25 tỷ USD thông qua việc chào bán nhiều loại chứng khoán nợ và các loại cổ phiếu khác nhau. Boeing có khoản nợ 11,5 tỷ USD đáo hạn vào ngày 1/2/2026 và đã cam kết phát hành 4,7 tỷ USD cổ phiếu của mình để mua lại Spirit AeroSystems, qua đó tiếp quản khoản nợ của công ty này.
Trong diễn biến mới nhất, Boeing và công đoàn cho biết các nhân viên công ty này sẽ bỏ phiếu vào tuần tới cho một đề xuất hợp đồng mới bao gồm mức tăng lương 35% trong bốn năm. Đề xuất mới nhất bao gồm khoản thưởng 7.000 USD, theo đó tăng đóng góp vào các kế hoạch hưu trí của người lao động bao gồm đóng góp một lần 5.000 USD cộng với tối đa 12% đóng góp của chủ lao động. Boeing bày tỏ "mong đợi nhân viên sẽ bỏ phiếu cho đề xuất đã đàm phán", tuy nhiên, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng người lao động sẽ chấp thuận đề xuất sau khi họ đã từ chối đề xuất ban đầu một cách áp đảo.
“Thiên thần sa ngã” lớn nhất của nước Mỹ
Kể từ năm 2019, Boeing đã lỗ thêm 28 tỷ USD và tổng mức nợ hiện nay của Boeing đã lên tới 60 tỷ USD. Các hãng đánh giá tín nhiệm lớn đồng loạt đưa ra cảnh báo nếu đình công kéo dài, họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu của Boeing xuống mức "không khuyến nghị đầu tư". Với khối nợ ròng hơn 45 tỷ USD, việc hạ xếp hạng sẽ làm tăng chi phí vay và cản trở nỗ lực huy động vốn của hãng sản xuất máy bay này.
Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết nếu cuộc đình công kéo dài 1-2 tuần, xếp hạng của Boeing sẽ không chịu ảnh hưởng. Nhưng nếu lâu hơn, họ phải xem xét lại. Moody’s cũng bày tỏ lo ngại về dòng tiền của nhà sản xuất máy bay Mỹ, khi đặt mức xếp hạng của công ty vào diện xem xét hạ bậc. Dòng tiền của Boeing hiện không đủ trả khoản nợ 4,3 tỷ USD đáo hạn năm sau và 8 tỷ USD năm 2026. Tính từ quý 2/2019 (thời điểm xảy ra tai nạn chết người ở Indonesia và Ethiopia) đến tháng 5 năm nay, hãng này ghi nhận khoản lỗ hoạt động gần 32 tỉ USD. Moody’s dự báo hãng sẽ phát hành thêm trái phiếu mới để bù vào phần hụt này. Cả Fitch và Moody’s hiện đánh giá nợ của Boeing chỉ cao hơn một bậc so với mức khuyến nghị đầu tư.
Tác động của yếu tố chính trị
Boeing được cho là đang trải qua giai đoạn khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử với đình công kéo dài cộng với những cáo buộc về gian lận, an toàn bay... Đây không đơn giản là chuyện của một doanh nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm của giới chính khách.
Boeing là một minh họa tuyệt vời về sự ảnh hưởng của tiền bạc trong hệ thống chính trị nước Mỹ. Trong lịch sử hơn 100 năm, Boeing và nước Mỹ đã phụ thuộc vào nhau, cùng nhau tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, đưa nước Mỹ vươn lên bằng những máy bay quân sự hàng đầu và cung cấp máy bay cho toàn thế giới, tạo điều kiện tăng trưởng cho ngành hàng không dân dụng và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của quốc gia và là nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm hàng không vũ trụ thương mại và quốc phòng.
Tăng trưởng Boeing rõ ràng đã mang lại lợi ích cho Mỹ và Boeing là một trong những nhà sản xuất hàng đầu của đất nước. Bất cứ khi nào chính phủ tìm cách tăng cường xuất khẩu, Boeing sẽ tham gia rất nhiều vào bất kỳ sáng kiến và chính sách mà họ thực hiện. Trong một số trường hợp, chính phủ được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp tư nhân, chẳng hạn như khi các cơ quan chính phủ làm việc với các nhà khoa học khu vực tư nhân để phát triển công nghệ mới. Tuy nhiên, khi các cơ quan quản lý làm việc chặt chẽ với một công ty trong một thời gian dài, điều đó có thể làm suy yếu sự độc lập của nó, và chắc chắn các chính sách của chính phủ đều phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
Boeing là một tập đoàn lớn và chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ không để một trong những nhà phân phối quốc phòng hàng đầu của nước này biến mất chỉ vì cuộc khủng hoảng của bộ phận máy bay dân dụng của hãng này. Nếu Boeing cần giải cứu, chắc chắn chính phủ liên bang sẽ có giải pháp vì đây là một nhà thầu quân sự quan trọng của Mỹ và có vai trò đáng kể trong lĩnh vực quân sự và vũ trụ của nền kinh tế. Vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm sản xuất máy bay là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, chính vì vậy, việc Boeing sụp đổ sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới ngành sản xuất ở Mỹ và sẽ có những tác động sâu rộng tới nền kinh tế nước này.
Phạm Huân/VOV-Washington
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ho-so/giai-ma-thien-than-sa-nga-boeing-post1129804.vov