Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Ông Scott Bessent phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump. Ảnh: AP
Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, ông Scott Bessent, người được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, là nhân vật bảo vệ mạnh mẽ cách tiếp cận của Tổng thống đắc cử Mỹ đối với thương mại.
Ông Scott Bessent đã dành 40 năm để nghiên cứu về lịch sử kinh tế. Giờ đây, khi được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính, ông Besent có cơ hội để ghi dấu ấn cá nhân vào lịch sử kinh tế nước Mỹ. Là nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm – khởi đầu là làm việc cho một công ty thuộc sở hữu của tỷ phú George Sorros và sau đó ra thành lập công ty riêng, ông Bessent chuyên về đầu tư vĩ mô, nói cách khác là phân tích tình huống địa chính trị và dữ liệu kinh tế để có được cái nhìn tổng quát hơn về dịch chuyển thị trường. Ông đã thu lợi hàng tỷ USD nhờ vào việc đặt cược các hợp đồng mua bán tiền tệ, lãi suất, cổ phiếu và những loại tài sản khác trên toàn thế giới.
Một phần nguyên nhân đẩy ông Bessent rời bàn giấy và gia nhập chiến dịch tranh cử của ông Trump chính là quan điểm của cá nhân ông. Theo đó, ông coi nền kinh tế Mỹ không thể tăng trưởng theo cách bình thường với tình trạng thâm hụt ngân sách tràn lan, nợ phình to. 4 giờ 30 phút chiều ngày 22/11 (theo giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump mời ông Bessent tới khu dinh thự Mar-a-Lago Club ở Palm Beach, Florida, thông báo việc ông được lựa chọn cho chức Bộ trưởng Tài chính.
Trong bài trả lời phỏng vấn ngay sau khi được đề cử, ông Bessent cho biết nhiệm vụ hiện thực hóa các cam kết cắt giảm thuế của Tổng thống đắc cử Trump sẽ là ưu tiên trong chính sách của ông. Kế hoạch bao gồm việc gia hạn giảm thuế từng được đưa ra dưới nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất của ông Trump, bỏ thuế đánh vào tiền thưởng (tip), lợi ích an sinh xã hội và khoản thu nhập làm thêm giờ. Áp thuế nhập khẩu và cắt giảm chi tiêu cũng là một trọng tâm, cùng với duy trì vị thế đồng USD dưới góc độ là đồng tiền dự trữ thế giới, Bộ trưởng Tài chính đề cử Mỹ nêu quan điểm.
Ông Bessent trở thành một trong số cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump nhờ vào việc bổ sung chiều sâu cho các đề xuất kinh tế của ông Trump, bảo vệ kế hoạch của tổng thống đắc cử về chính sách thương mại bảo hộ hơn. Chính ông Bessent đã lập luận rằng kế hoạch của ông Trump về gia hạn cắt giảm thuế và giảm thủ tục hành chính với các hoạt động kinh tế sẽ tạo ra “lễ hội kinh tế”.
Ông Bessent được chọn trong danh sách gồm nhiều ứng viên chạy đua cho vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ, một phần là do ông Trump tin tưởng ông Bessent sẽ thực thi các chính sách của chính quyền mới tốt hơn số ứng viên còn lại. Quyết định được ông Trump đưa ra sau khi tỷ phú Elon Musk cho rằng ông Bessent là một lựa chọn “kiểu doanh nhân thông thường”. Giám đốc điều hành (CEO) và là nhà sáng lập của công ty xe điện Tesla, đã vận động hành lang cho ông Howard Lutnick – Giám đốc điều hành tập đoàn Cantor Fitzgerald (ngay sau đó ông Trump đề cử ông Lutnick vào vị trí Bộ trưởng Thương mại).
Nhiều tỷ phú Phố Wall, nổi bật là ông Daniel Loeb - Giám đốc công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Third Point và Bill Ackman, người sáng lập kiêm CEO quỹ phòng hộ Pershing Square Capital Management, đánh giá cao lựa chọn của Tổng thống đắc cử Trump với ông Bessent. Trên nền tảng mạng xã hội X, nhà đầu tư Kyle Bass đã gọi ông Bessent là “lựa chọn tốt duy nhất”.
Những người từng làm việc cùng Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ mô tả ông Bessent là người chín chắn và chuyên nghiệp. Ông Bessent từng giảng dạy lịch sử kinh tế tại Đại học Yale. Còn dưới góc độ là một nhà đầu tư, ông thường nghiên cứu những sự vụ tài chính đồng nhất bị lãng quên để thể hiện góc nhìn về những diễn biến trong thực tại. “Chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn đại cấu trúc kinh tế toàn cầu và tôi muốn là một phần của tiến trình đó. Tôi đã nghiên cứu chủ đề này”, ông Bessent phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 6/2024.
Năm 1991, ông Bessent gia nhập công ty quản lý Quỹ Sorros– nơi mà nghiên cứu của ông về điểm yếu về thị trường nhà đất tại Anh là một chỉ dấu rõ nét cho thành công đặc biệt của Quỹ này khi đặt cược đồng bảng Anh sẽ sụp đổ. Giai đoạn 2011-2015, ông Bessent giữ cương vị nhà đầu tư trưởng của Soros, kiếm được khoản lợi nhất hơn 1 tỷ USD từ cú đặt cược thành công ở Nhật Bản, nổi nhất là vụ đánh sập đồng yen. Sau đó ông Bessent lập ra một công ty quản lý quỹ phòng vệ của riêng mình – Quỹ Key Square Capital Management, nơi mà ông hiện vẫn giữ vai trò lãnh đạo.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính, ông Bessent sẽ giám sát việc bán hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ theo cách mà ông từng làm. Ngoài ra, ông còn có trách nhiệm cố vấn chính sách tài khóa, xử lý thu thuế và thực thi các lệnh trừng phạt kinh tế. Ông Bessent từ lâu luôn lo ngại về tình trạng nợ công phình to tại Mỹ, cho rằng cách thức duy nhất để giảm nợ là thúc đẩy tăng trưởng, qua đó tăng nguồn thu thuế.
Ông Bessent đã tư vấn cho Tổng thống đắc cử Trump theo đuổi chính sách mà ông gọi là mô hình “3-3-3”, lấy cảm hứng từ chính sách kinh tế “3 mũi tên” từng được cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra trong thập kỷ những năm 2010, để trấn hưng nền kinh tế Nhật Bản. “3 mũi tên” của ông Bessent bao gồm giảm 3% thâm hụt ngân sách, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3% và tăng thêm 3 triệu thùng dầu khai thác/ngày.
Để kiểm soát chi tiêu chính phủ, ông Bessent đề xuất gia hạn Đạo luật Giảm thuế và Việc làm (TCJA) được thông qua năm 2017, nhưng kèm theo một số sửa đổi về bù trừ để giảm gánh nặng chi phí. Nó có thể bao gồm việc giảm chi tiêu hoặc tăng doanh thu ở những lĩnh vực đủ để bù đắp tác động từ giảm thu thuế. Ông cũng đề xuất đóng băng các khoản chi tiêu tự chủ phi quốc phòng và cải tổ chính sách trợ cấp đối với xe điện, cũng như những danh mục khác được đề cập trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Đầu năm nay, ông Bessent đã nói đến thuế nhập khẩu, coi đây như là một công cụ đàm phán. Sau đó, ông lại thay đổi quan điểm, cho rằng cần sử dụng thuế nhập khẩu quyết liệt hơn, nhất là dưới góc độ một nguồn thu thuế.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2024 với tiêu đề “Biến hệ thống kinh tế quốc tế vĩ đại trở lại”, ông Bessent đề cập luận điểm tăng thuế dựa trên nền tảng an ninh quốc gia và ép các nước hạ thấp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Ông chỉ trích chính sách thương mại với Trung Quốc chỉ làm giàu cho Phố Wall, làm suy yếu sức mạnh công nghiệp nội địa và không thành công trong việc thúc đẩy Trung Quốc cải cách kinh tế.
Cách tiếp cận của ông Bessent về thuế nhập khẩu giống với chương trình trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ dưới góc độ là một công cụ để thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Ông Bessent cởi mở với việc dỡ bỏ thuế quan đối với các nước thực thi cải cách mang tính cấu trúc; lên tiếng ủng hộ một khối thương mại công bằng cho những đồng minh có cùng lợi ích an ninh và cách tiếp cận có đi có lại về thuế.
“Tổng thống Trump đã đúng khi nói rằng tự do thương mại thực chất là điều đáng mơ ước. Điều này nghe có vẻ dường như không được như mong đợi dưới góc độ thị trường tự do. Nhưng ông Trump cũng lại đúng khi lập luận muốn thực sự tạo dựng một hệ thống thương mại tự do, mở rộng hơn trong dài hạn, chúng ta cần một cách tiếp cận mang tính thay đổi với quốc tế”, ông Bessent phát biểu.
Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/giai-ma-viec-de-cu-ong-scott-bessent-lam-bo-truong-tai-chinh-my/354779.html