Xe hybrid là từ dùng để chỉ chung nhóm xe có sự kết hợp của 2 loại động cơ hay sử dụng 2 loại nhiên liệu, năng lượng khác nhau để vận hành, phổ biến là xe lai xăng-điện.
Tại Việt Nam, xe hybrid đã có mặt từ khá lâu và mới bùng nổ trong vài năm trở lại đây với nhiều sản phẩm ở đủ mọi phân khúc, từ MPV bình dân cho tới xe sang hay xe thể thao. Vì là sự kết hợp của xăng và điện, mỗi công nghệ, mỗi thương hiệu lại có những cách "pha trộn" riêng để tạo ra những sản phẩm theo ý mình.
Tất cả tạo nên một nhóm xe đa dạng về khả năng vận hành cũng như kết cấu. Sự phức tạp của những chiếc xe lai khiến nhiều người hoài nghi vào những gì các hãng xe quảng cáo.
Trong bài viết này, Tri thức - Znews sẽ cố gắng đơn giản hóa những kiểu xe hybrid đã có mặt tại Việt Nam kèm những ưu nhược điểm một cách dễ hiểu nhất dựa trên những trải nghiệm thực tế.
HEV "bình dân"
Mild Hybrid là cái tên "quốc tế" để chỉ những mẫu xe sử dụng công nghệ hybrid hạng nhẹ, có bộ pin nhỏ, không cần cắm sạc. Mild Hybrid cũng có nhiều cấp độ và cấp độ phổ thông sẽ được ứng dụng trên các mẫu xe bình dân.
Suzuki Ertiga Hybrid, XL7 Hybrid, Toyota Yaris Cross, Toyota Corolla Altis, Toyota Corolla Cross, Toyota Innova Cross... là những cái tên sử dụng công nghệ hybrid phổ biến này. Sắp tới thị trường xe Việt có thể đón nhận thêm những cái tên cũ mà mới có các phiên bản hybrid, đó là Honda City, Mitsubishi Xpander Cross hay Xforce.
Mitsubishi Xforce HEV.
Ở nhóm xe hybrid này, các mẫu xe sở hữu một bộ pin nhỏ kèm theo mô tơ điện có khả năng hỗ trợ cho động cơ đốt trong ở một số tình huống cụ thể. Hệ thống pin sẽ thu hồi năng lượng khi xe giảm tốc độ.
Bộ pin nhỏ với dung lượng hạn chế nên sức ảnh hưởng của hệ thống điện vào khả năng vận hành mạnh mẽ của xe gần như không có. Bù lại, những sự hỗ trợ của mô tơ điện sẽ nhắm khắc phục những thời điểm mà động cơ xăng không có lợi thế, ví dụ như lăn bánh khi đứng yên hay thêm lực kéo khi cần tăng tốc.
Bằng cách này, các mẫu xe hybrid "bình dân" sẽ đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm nhiên liệu tiêu thụ, qua đó tiết kiệm chi phí vận hành cho chủ xe. Chi phí thấp của hệ thống pin và mô tơ điện cũng khiến các mẫu xe hybrid ở nhóm này không bị đội giá quá nhiều.
Suzuki XL7 hybrid được trang bị động cơ xăng dung tích 1.5L, công suất tối đa 103 mã lực, kết hợp với bộ pin lithium-ion 12 V, hỗ trợ tiết kiệm nhiên liệu về mức 5,6-6,81 lít/100 km. Giá của mẫu xe là 599,8 triệu đồng.
Một số mẫu xe có bản hybrid giá cao hơn đáng kể so với bản động cơ xăng là do được định vị luôn là phiên bản cao cấp nhất, với đầy đủ trang bị tiện nghi và an toàn, đồng thời cũng sở hữu hệ thống pin lớn hơn, mô tơ điện mạnh hơn và hỗ trợ đôi chút vào khả năng tăng tốc của xe.
Mitsubishi Xpander HEV.
Mitsubishi Xforce HEV là phiên bản cao cấp nhất của dải sản phẩm. Xe sở hữu máy xăng 1.6L và một motor điện cho tổng công suất 114 mã lực, mô men xoắn cực đại 255 Nm, tiêu thụ nhiên liệu trung bình 4,1 lít/100 km.
Xpander HEV với động cơ xăng 1.6L mạnh 95 mã lực và 134 Nm mô-men xoắn kết hợp motor điện 116 mã lực cùng gói pin lithium-ion 1,1 kWh cho mức tiêu thụ nhiên liệu 5,2 lít/100 km. So với bản thuần xăng, những chiếc Xpander hay Xforce động cơ lai đắt hơn khoảng 20.000-40.000 Baht (590 - 1.180 USD).
HEV trên xe cao cấp
Vẫn là Mild-Hybrid, nhưng khi được trang bị lên các mẫu xe cao cấp như Mercedes-Benz C-Class, GLC, Toyota Camry, Subaru Outback, Volvo XC60..., hệ thống pin và mô tơ điện đã góp phần nhiều hơn vào việc cải thiện hiệu năng của xe. Nhiều thương hiệu thậm chí mặc định Mild-Hybrid là hệ dẫn động tiêu chuẩn và không giới thiệu với khách hàng như là một tính năng hay một điểm đột phá của xe.
Như đã nói, những chiếc xe cao cấp sử dụng dẫn động hybrid sẽ tăng tốc mượt mà hơn. Một số chiếc thiên về thể thao còn có thể cho phép bạn tăng tốc mạnh mẽ hơn hẳn khi cần, nhưng chỉ trong thời gian ngắn vì dung lượng pin hạn chế.
Nếu so với nhóm hybrid bình dân thường lựa chọn các phiên bản Hybrid là bản cao cấp nhất, thì nhóm xe hybrid cao cấp phần lớn là phiên bản tiêu chuẩn hoặc bản trung cấp. Đây có thể coi là "món quà công nghệ" mà các thương hiệu xe lớn tặng cho khách hàng, giúp các mẫu xe cao cấp hoặc xe sang có được trải nghiệm vận hành tốt hơn, tiết kiệm hơn mà không tốn thêm nhiều chi phí.
Toyota Camry hybrid.
Ví dụ chiếc XC60 B6 AWD, phiên bản mild-hybrid được ra mắt cùng lúc với bản PHEV Recharge Ultimate. Bản B6 được trang bị motor điện có tác dụng hỗ trợ động cơ xăng, cho sức mạnh 300 mã lực.
Đương nhiên với mức giá khoảng 2,279 tỷ đồng, XC60 không phải là cái tên được lựa chọn nếu ưu tiên sự tiết kiệm mà đây vẫn luôn là món ăn sáng tạo được "đo ni đóng giày" cho các khách hàng hạng sang, mong muốn trải nghiệm công nghệ mới trước khi thật sự chọn hybrid cắm sạc.
HEV kiểu "xăng phục vụ điện"
Nếu như các thế hệ Mild-Hybrid phổ biến là hệ thống pin và mô tơ điện bổ trợ cho động cơ đốt trong, thì kiểu hybrid như Honda Civic lại là động cơ xăng bổ trợ cho dẫn động chính là mô tơ điện.
Hiểu đơn giản, động cơ xăng sẽ hoạt động theo dạng máy phát và cung cấp điện cho mô tơ điện khiến chiếc xe vận hành, đây sẽ là kiểu vận hành chính khi điều khiển xe.
Đồng thời động cơ xăng cũng có thể trực tiếp truyền động trong những điều kiện không phải là thế mạnh của điện. Đó là khi xe chạy duy trì ở tốc độ cao và hệ thống pin không thể duy trì sức mạnh do hạn chế về năng lượng, thường là trên đường cao tốc.
Honda Civic e:HEV Rs. Ảnh: Phúc Hậu.
Cơ chế này khá phù hợp với Honda Civic, mẫu xe được biết đến với cảm giác lái thể thao và khả năng tăng tốc tốt hơn những mẫu xe khác trong phân khúc. Việc sử dụng mô tơ điện làm nguồn dẫn động chính khiến yếu tố tăng tốc được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy vì vẫn chỉ là xe hybrid dạng "pin nhỏ", động cơ xăng gần như vẫn phải hoạt động liên tục. Xe được trang bị 2 motor điện kết hợp một động cơ xăng 2.0L hút khí tự nhiên, cho tổng công suất tối đa 200 mã lực. Toàn bộ quá trình kết hợp xăng-điện được thực hiện tự động và người lái không thể can thiệp lúc nào sử dụng dẫn động từ động cơ xăng hay mô tơ điện.
Nhờ cơ chế "xăng phục vụ điện", Civic e:HEV trở nên "lanh" hơn ở những pha tăng tốc, bù lại xe mất đi khả năng hãm tốc của động cơ xăng và được thay thế bởi chế độ phanh tái tạo làm giảm đi tính hiệu quả, đồng thời không có lợi thế nếu chạy đường dài ở tốc độ cao.
HEV kiểu Nissan Kicks
Mẫu xe "ưu nhược rõ ràng" Nissan Kicks rất khó bán ở Việt Nam, nơi người ta dùng chiếc ôtô cho mọi việc từ đi phố tới đi xa. Nhưng đây không phải là một mẫu xe quá tệ, ít nhất là ở công nghệ.
Xe được trang bị động cơ xăng 1.2L và nó không có khả năng dẫn động trực tiếp, mà như một máy phát điện cung cấp năng lượng liên tục cho pin và mô tơ điện. Nói một cách dễ hiểu, chiếc Kicks e-Power hoạt động như một chiếc xe thuần điện với công suất 135 mã lực và mô men xoắn 280 Nm.
Nissan Kicks. Ảnh: Nissan.
Ở tốc độ thấp và vận hành trong đô thị, Nissan Kicks có thể nói là "ông vua" êm ái tiết kiệm. Với mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 2,2 lít/100 km, tiết kiệm bậc nhất phân khúc. Trong điều kiện này, động cơ nổ máy nhẹ nhàng với vòng tua thấp là đủ điện để chiếc xe vận hành tương đối thoải mái. Trải nghiệm thực tế, Nissan Kicks có thể chỉ tốn hơn 2 lít cho 100 km chạy với tốc độ dao động 20-60 km/h, tức là ngang với một chiếc xe máy.
Tuy nhiên điểm yếu của Nissan Kicks là khi nó phải vận hành ở điều kiện tốc độ cao trên 100 km/h. Động cơ phải chạy với vòng tua cao để tạo ra điện duy trì sức kéo cho xe, mức tiêu thụ nhiên liệu vọt lên thậm chí 8-10 lít cho 100 km chạy ở tốc độ 100-120 km/h.
Nhìn chung so với quảng cáo "siêu tiết kiệm" thì Nissan Kicks trên thực tế có mức tiêu hao nhiên liệu hỗn hợp cũng chỉ ở mức khá. Tất nhiên nếu bạn có thể sử dụng chiếc xe này chỉ chạy phố, nó có lẽ là ôtô hybrid tiết kiệm nhất trên thị trường.
PHEV kiểu hiệu năng cao
PHEV là những mẫu xe điện cắm sạc, có hệ thống pin lớn hơn và mô tơ điện mạnh hơn. Với PHEV kiểu hiệu năng cao, hệ thống pin và mô tơ điện sẽ được tạo ra nhằm mục đích cải thiện khả năng vận hành của xe, tất nhiên nó vẫn giúp xe tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn, nhưng đó không phải là mục đích chính.
Volvo XC60 Recharged hay XC90 Recharged là 2 đại diện phổ biến của nhóm này. Ví dụ chiếc XC60 của Volvo được trang bị hệ thống động cơ T8 AWD plug-in hybrid gồm động cơ xăng I4, 2.0L Turbocharged sản sinh công suất 317 mã lực, mô-men xoắn cực đại 400 Nm. Tổng công suất của hệ thống hybrid trên XC60 là 462 mã lực và mô-men xoắn 709 Nm.
Volvo XC60 Recharge. Ảnh: Vũ Huỳnh.
Nhờ đó, chiếc xe này vừa đủ để giúp người lái cảm nhận sự êm ái, mềm mại nhưng vẫn không làm mất đi sự mạnh mẽ, lanh lẹ của xe.
Hệ thống pin sẽ được nạp đầy thông qua cắm sạc giống như xe điện, và chiếc xe sẽ không tiết kiệm điện, nó sẽ cố gắng sử dụng hết điện để mang lại cho chủ nhân một cảm giác vận hành khác biệt, và sau đó sẽ cần kiếm nơi để sạc. Nếu chọn vận hành ở chế độ thuần điện, bộ pin trên XC60 Recharge có phạm vi hoạt động chỉ khoảng 81 km.
Bằng cách này, việc điều khiển một chiếc PHEV hiệu năng cao sẽ rất "sướng", đặc biệt ở khoản tăng tốc, nó vừa mạnh mẽ như xe điện, vừa duy trì tốc độ cao tốt như xe xăng. Bù lại, khi hết điện, chiếc xe sẽ vận hành chỉ bằng động cơ xăng và cần kiếm chỗ sạc nếu muốn tiếp tục trải nghiệm hiệu năng tối đa của xe.
McLaren Atura. Ảnh: Phúc Hậu.
Với ưu điểm lớn ở việc tăng hiệu năng, công nghệ này thậm chí áp dụng lên những mẫu siêu xe Hybrid để tạo nên những con "quái thú" trên đường phố, tất nhiên là khi nó có đầy đủ điện.
Hai cái tên cũng được áp dụng công nghệ này có thể kể đến là McLaren Artura hay Ferrari 296 GTB. Sức mạnh của chiếc Atura là sự kết hợp giữa máy V6 twin-turbo 3.0L mạnh 605 mã lực và động cơ điện, cho tổng công suất đến 700 mã lực.
Trong khi đó, 296 GTB cũng sở hữu hệ truyền động khá tương tự, là động cơ V6 dung tích 2.9L công suất 663 mã lực. Kết hợp cùng động cơ điện, siêu xe này có sức mạnh 830 mã lực và mô men xoắn 740 Nm.
PHEV kiểu chạy đường dài
Ở thời đại mà xe thuần điện có hiệu năng vượt trội so với xe động cơ đốt trong và cả xe PHEV hiệu năng cao, thì xe Hybrid cần có một thế hệ mới để cạnh tranh với xe điện, và PHEV kiểu chạy đường dài là cái tên mới xuất hiện.
Tại Việt Nam, 2 cái tên mới nhất trong nhóm xe này là Jaecoo J7 và BYD Sealion 6.
Jaecoo J7 sử dụng kết hợp động cơ TGI DHE tăng áp dung tích 1.5L với motor điện, cho ra tổng công suất tối đa 342 mã lực, mô-men xoắn cực đại 525 Nm. Nhờ bộ pin LFP 18,3 kWh bên trong, mẫu PHEV này có thể chạy trên 1.300 km/lần nạp nhiên liệu.
Jaecoo J7.
Sealion 6 sở hữu máy xăng 1.5L và motor điện ở trục trước, cho tổng công suất 214 mã lực, mô men xoắn cực đại 300 Nm. Khi được đổ đầy xăng và sạc đủ pin, xe có thể di chuyển hơn 1.200 km mà không cần nạp nhiên liệu.
PHEV kiểu chạy đường dài có công nghệ khá giống với HEV trên Honda Civic đã nhắc đến phía trên nhưng có hệ thống pin lớn hơn nhiều. Động cơ xăng sẽ hoạt động để tạo ra điện và xe sẽ chủ yếu hoạt động bằng mô tơ điện, nhưng đồng thời vẫn có khả năng trực tiếp dẫn động giúp cho xe chuyển động.
Cụ thể hơn, trong điều kiện đầy xăng và điện, xe sẽ hoạt động giống như ôtô điện, động cơ xăng sẽ nghỉ ngơi hoàn toàn. Khi pin đạt tới một mức nhất định (người lái có thể thay đổi được), động cơ xăng sẽ hoạt động như một máy phát, tạo ra điện để nạp vào hệ thống pin.
Ví dụ nếu bạn đặt mức pin là 50%, chiếc xe sẽ hoàn toàn là xe thuần điện cho tới khi pin dưới mức 50%, lúc này động cơ xăng sẽ hoạt động và xe vẫn chạy hoàn toàn bằng mô tơ điện.
Ở chế độ Hybrid, khi ôtô vượt quá mức tốc độ 70-80 km/h, cũng là thời điểm mà mô tơ điện không còn thế mạnh, động cơ xăng sẽ trực tiếp truyền động hỗ trợ mô tơ điện.
Sealion 6.
Đây là cách để tối ưu hiệu quả của cả hệ thống xăng-điện và giúp chiếc xe đi xa nhất có thể, gấp 2-3 lần so với một chiếc xe thuần điện.
Sự khác biệt so với công nghệ PHEV thiên về hiệu năng là kiểu PHEV này không nhất thiết phải cắm sạc. Nếu cài đặt ở mức pin hợp lý, chiếc xe sẽ luôn nổ máy để sạc điện cho hệ thống pin. Tất nhiên điều này sẽ khiến mức tiêu hao nhiên liệu không còn ở mức lý tưởng, nhưng nó cũng khiến dòng xe này dễ sử dụng hơn.
Dù sở hữu nhiều ưu điểm kết hợp của xe xăng và xe điện, nhóm xe này cần thêm thời gian để thuyết phục người dùng, khi nó có giá cao hơn so với xe xăng lẫn xe điện, tầm hoạt động thuần điện về cơ bản ngắn hơn xe điện, và vẫn phát ra khí thải.
PHEV tầm hoạt động trên 2.000 km
Hiện nay các hãng xe Trung Quốc còn tạo ra những mẫu PHEV chạy xa hơn 2.000 mỗi lần sạc, hứa hẹn biến nhóm xe này trở thành sản phẩm thay thế cho cả xe điện lẫn xe xăng.
Chery Fulwin T10 vượt qua mốc 2.100 km mà không cần nạp nhiên liệu, SAIC Roewe D7 có phạm vi hoạt động 2.208 km/lần sạc, Geely Galaxy L6 EM-i hay Sealion 5 cũng có tầm hoạt động khoảng 2.000 km/lần sạc.
Roewe D7. Ảnh: Roewe.
Những chiếc PHEV này được các hãng xe bán với giá từ hơn 100.000 NDT đến gần 300.000 NDT (tương đương 15.000-35.000 USD), đắt gấp 2-3 lần các mẫu PHEV thông thường tại đất nước tỷ dân.
Đương nhiên mức giá này hoàn toàn dễ hiểu bởi những "siêu PHEV" này cần mang một khối pin khổng lồ, nặng nề, kích thước lớn, trục cơ sở kéo dài để "nâng đỡ" hệ truyền động.
Có thể thấy dù mang cùng tên gọi "xe hybrid", mỗi công nghệ lại mở ra một cách tiếp cận riêng cho trải nghiệm lái, khả năng vận hành và mức độ tiết kiệm nhiên liệu.
Từ xe đô thị giá rẻ đến mẫu xe sang, từ bản tiết kiệm đến hiệu năng cao, thị trường xe lai tại Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Và khi đó, người dùng cần hiểu rõ nhu cầu và sự ưu tiên của bản thân để lựa chọn cho mình một chiếc ôtô hybrid ưng ý.
Đan Thanh