Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 1 là 31.849 tỷ đồng, đạt 3,64% kế hoạch (875.887 tỷ đồng), đạt 3,86% kế hoạch Thủ tướng giao (825.922 tỷ đồng).
Ước giải ngân đến hết tháng 2 là 60.423 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch, đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (đạt 7,7% kế hoạch và đạt 8,07% kế hoạch Thủ tướng giao).
Giải ngân đầu tư công 2 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: ITN
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 8,58% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương với cùng kỳ năm 2024 đạt 8,36%. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách trung ương mới đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 đạt 7,52%.
Ngoài 4 bộ, ngành và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước thì theo Bộ Tài chính, trong những tháng đầu năm, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân (27 bộ, ngành) hoặc giải ngân thấp (26 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 5%).
Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách Xã hội (41,16%), Bộ Công an (12,67%), TP. Huế (22,97%), Tiền Giang (27,62%), Vĩnh Phúc (21,49%), Tuyên Quang (21,26%), Hòa Bình (20,95%).
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, ngày 18.2, Thủ tướng có Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, cơ quan kiểm soát chi ngân sách, cho biết, nhằm góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 16/CĐ-TTg và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước yêu cầu toàn hệ thống kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trên Tabmis theo đúng quy định...
H.Lan