Giải ngân đầu tư công “ì ạch” đang trở thành “bệnh nan y”
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Chính phủ thông qua vào tháng 1/2024 đã đạt ra mục tiêu cả năm 2024, giải ngân đầu tư công sẽ đạt tối thiểu 95%.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù chặng đường năm 2024 đã gần đi đến hồi kết, song tỷ lệ giải ngân vẫn rất chậm. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước mới chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (56,74%) và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trong đó, nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Đơn cử, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 0%, Ủy ban Dân tộc đạt 1,12%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt 1,35%, Đại học Quốc gia TP. HCM đạt 5,01%, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 9%,...
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: TP. HCM với 19,63%, Phú Yên với 24,63%, Kon Tum và Quảng Ngãi, lần lượt với tỷ lệ 27,45% và 27,98%,...
Hiện tại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giải ngân đầu tư công chậm, tuy nhiên 2 nguyên nhân lớn nhất, hầu như các địa phương đều “kêu” đó là do các vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư.
Đặc biệt, năm 2024 xuất hiện một nguyên nhân mới đó là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông bị thiếu.
Với tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 19,63%, TP. HCM là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước, thấp hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. Lý giải về con số này, trong một cuộc họp vào đầu tháng 10, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024 đang có nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Cụ thể, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024) thì chi phí giải phóng mặt bằng các dự án có sự thay đổi theo hướng tăng lên, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án phải tạm dừng để điều chỉnh kế hoạch, quy trình, thủ tục cho phù hợp. Trong khi đó, số vốn giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư công của thành phố.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vật liệu, cát san lấp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công TP. HCM.
Khó khăn lớn nhất nổi lên trong năm 2024 liên quan tới đầu tư công là về vật liệu thông thường để phục vụ cho thi công các công trình lớn, đặc biệt là các công trình giao thông.
Trên thực tế, việc giải ngân đầu tư công chậm có thể để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.
Cụ thể, việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện thế giới có nhiều yếu bất ổn như hiện nay.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Đồng thời, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được, trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay. Ngay cả các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi cũng vì giải ngân chậm.
Đã không còn giải pháp mới
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tính đến cuối tháng 10/2024, Việt Nam còn 3 tháng, trong đó có 2 tháng để thực hiện, 1 tháng giải ngân những khối lượng đã thực hiện trong năm để có thời gian chỉnh lý, quyết toán. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam còn gần 3 tháng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.
Do đó, để hoàn thành mục tiêu được Chính phủ đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu và Bộ Tài chính đã có một số kiến nghị cụ thể.
Đơn cử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành, trong đó nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 7 Tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đi đôn đốc giải ngân.
“Cộng với cơ chế là các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, có phân công các địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Hai cơ chế này vẫn đang diễn ra và các thành viên cũng rất là tích cực làm việc với các địa phương”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan này rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong nội bộ trước ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Mặc dù vậy, các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đưa ra chỉ mang tính tình thế, chưa thể giải quyết triệt để tình trạng giải ngân đầu tư công “ì ạch” trong suốt thời gian qua.
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng: Nếu bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã đưa ra rất nhiều ý kiến trong suốt 4 - 5 năm nay.
“Thực sự mà nói, cho tới thời điểm hiện tại, việc đưa ra các đề xuất mới, giải pháp mới cho giải ngân đầu tư công gần như không còn”, ông Tân nói.
Ông Tân phân tích: Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện giải ngân đầu tư công hiện nay, đó là xin phê duyệt thủ tục đầu tư. Cụ thể, muốn có dự án đầu tư công phải xin phê duyệt chủ trương đầu tư, đã có chủ trương đầu tư lại phải xin danh mục đầu tư, tiếp đến là điều chỉnh danh mục đầu tư,... mỗi bước diễn ra trong vài tháng dẫn đến việc chậm giải ngân đầu tư công.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Minh Tân kỳ vọng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến sẽ trở thành “chìa khóa”, tháo gỡ các nút thắt nêu trên.
Có cùng quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, giải pháp đột phá có thể giải quyết triệt để trình trạng giải ngân đầu tư công chậm đó là thể chế.
Theo Thứ trưởng, hiện Luật Đầu tư công đang trong quá trình sửa đổi và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, kèm theo đó một số luật khác liên quan tới đầu tư cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
“Các đột phá về thể chế này ngay trong năm nay chưa có tác dụng và cần phải có hiệu lực của luật. Hy vọng sang năm sẽ có hiệu lực hơn, trong đó sẽ giải quyết một số vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là các dự án BT chuyển tiếp, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát và báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới giải ngân đầu tư công.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 115, phê bình 29 Bộ, cơ quan Trung ương, 21 địa phương giải ngân đầu tư công dưới mức trung bình cả nước. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công chậm tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch.
Việt Vũ