Giải ngân vốn đầu tư công của 5 tỉnh Đông Nam Bộ: Bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn

Giải ngân vốn đầu tư công của 5 tỉnh Đông Nam Bộ: Bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn
2 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: VGP).
Báo cáo tổng hợp tình hình giải ngân của các địa phương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, có 23 khó khăn, vướng mắc chia làm 5 nhóm nội dung về: Quy định của pháp luật đầu tư công; công tác chuẩn bị đầu tư; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án (gồm điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vật liệu xây dựng…); vướng mắc khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các vướng mắc khác.
Bộ KH&ĐT cho rằng, nguyên nhân chậm giải ngân vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân với nhiều biện pháp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập 7 tổ công tác của Chính phủ. Tại nhiều cuộc họp, sự kiện khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đều đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Ghi nhận cố gắng của các địa phương, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương gặp phải. Đó là khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, về giải phóng mặt bằng; việc tổ chức thực hiện chưa tốt nên kéo dài thời gian thực hiện dự án, vấn đề về thủ tục thanh toán, khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch… Do đó, các địa phương phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, các địa phương tập trung rà soát, phân loại, đánh giá sát hơn các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt khắc phục. Đồng thời, lưu ý tăng cường công tác phối hợp, năng lực điều phối cũng như trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện những quyền được phân cấp.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, phân loại các khó khăn, vướng mắc để xem những gì thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành có thể xử lý được ngay, những vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đơn cử, hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó, tháo gỡ hạn chế, vướng mắc, “điểm nghẽn” phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Bộ KH&ĐT cũng cần xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để xử lý một số dự án tồn đọng có tính chất đặc thù; rà soát các dự án nếu đủ thủ tục, bảo đảm tính khả thi nhưng thiếu vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
D.Sơn
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-cua-5-tinh-dong-nam-bo-bam-sat-cac-giai-phap-de-trien-khai-tot-hon-post528914.html