Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng
2 giờ trướcBài gốc
Còn lúng túng trong quản lý
Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cao nguyên Kon Hà Nừng có diện tích gần 413.512 ha. Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm: vùng lõi bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và vùng đệm, vùng chuyển tiếp tại một phần diện tích của các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê.
Quang cảnh diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Hà Duy.
GS. TS. Nguyễn Hoàng Trí-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc UNESCO) đánh giá: “Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng có sự độc đáo riêng mà không nơi nào có. Đó là rừng còn khá nguyên vẹn, đây là điều kiện cần thiết để các động vật quý hiếm tồn tại. Theo đó, khu DTSQ này đang là nơi trú ngụ của 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương bao gồm voọc chà vá chân xám, vượn đen má hung Trung Bộ và mang lớn. Trong đó, voọc chà vá chân xám có tính đặc hữu quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam”.
GS. TS. Nguyễn Hoàng Trí-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam, thuộc tổ chức UNESCO) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hà Duy
Còn TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn-Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thì nhận định: “Khu DTSQ Kon Hà Nừng có hệ sinh thái phong phú và đa dạng nhất nhì Việt Nam. Việc quản lý hiệu quả khu DTSQ có vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy áp dụng các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững về xã hội, văn hóa và môi trường”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đối với công tác bảo tồn, khu DTSQ Kon Hà Nừng đã tiếp nhận và tái thả 405 cá thể chim, 1 cá thế tê tê, 7 cá thể kỳ đà và nhiều cá thể động vật khác; gieo ươm 50.000 cây giáng hương và 10.000 cây gỗ trắc. Với công tác phát triển du lịch, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã đón 1.540 lượt khách, đồng thời đang xúc tiến điều chỉnh, hoàn thiện đề án du lịch sinh thái.
Khu DTSQ Kon Hà Nừng cũng đã được công nhận là thành viên chính thức của Mạng lưới khu DTSQ vùng núi. Ban Quản lý khu DTSQ cũng tổ chức chuyến công tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và hoạt động với khu DTSQ Chiang Dao (Chiangmai, Thái Lan). Ngày 18-10, Ban Quản lý khu DTSQ Kon Hà Nừng đã ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng...
Hệ động-thực vật đa dạng, phong phú là điểm nhấn đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Tư liệu
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Sau 3 năm kể từ khi khu DTSQ Kon Hà Nừng được công nhận là khu DTSQ thế giới, đến nay, hoạt động quản lý vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu sự gắn kết, chưa xây dựng được kế hoạch trung hạn, dài hạn và kế hoạch, quy chế quản lý bảo vệ môi trường di sản; chưa có nhiều hoạt động thực sự nổi bật để phát huy hết tiềm năng, lợi thế hiện có”.
Còn ông Nguyễn Văn Tú-thành viên Ban Thư ký khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng cho biết: “Các thành viên của Ban Quản lý, Ban Thư ký hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, nhiệm vụ được giao nhiều nên chưa có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu chuyên sâu. Về nhiệm vụ chuyên môn cũng chưa xây dựng được kế hoạch phát huy tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch sinh thái; chưa có nhiều nghiên cứu về bảo tồn, đa dạng sinh học và cũng chưa tạo được nguồn sinh kế cho người dân”.
Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu
Bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho hay: “Sở Tài nguyên và Môi trường tham khảo các mô hình tổ chức, quy chế quản lý của các khu DTSQ thế giới, tuy nhiên các khu DTSQ trong nước hiện nay đều chưa xây dựng, phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10-1-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có cơ sở hướng dẫn xây dựng dự thảo Quy chế, Kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng”.
Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý
Để thực hiện tốt công tác quản lý trong thời gian tiếp theo, diễn đàn cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, ông Nguyễn Văn Tú cho biết: Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang thực hiện liên quan đến Khu DTSQ Kon Hà Nừng tham mưu công tác đặt hàng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Cùng với đó là tích cực hợp tác với các khu DTSQ thế giới trong nước và quốc tế để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, vận hành khu DTSQ Kon Hà Nừng đạt hiểu quả. Định hướng doanh nghiệp xây dựng các tuyến du lịch sinh thái tạo các sản phẩm du lịch. Tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng Kế hoạch hoạt động giai đoạn năm 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng.
Ông Nguyễn Hồng Quân-Giám đốc Ban Quản lý và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chia sẻ: “Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là nơi mà từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm pháp luật. Thời gian qua, Khu Bảo tồn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… Ban cũng phối hợp với đơn vị có liên quan thống kê động vật quý hiếm của khu bảo tồn và đang tiếp tục triển khai công tác này. Việc cái đặt phần mềm trên smartphone để kiểm soát công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả tích cực nên chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy. Cùng với đó là sẽ cố gắng trong tạo sinh kế cho người dân trong vùng”.
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Hà Duy
Để nâng cao hiệu quả quản lý khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã hướng dẫn xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường khu DTSQ; hướng dẫn kỹ thuật về quản trị khu DTSQ; phân vùng khu DTSQ thế giới (vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp). Đặc biệt, công tác xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông tại các khu DTSQ được nhấn mạnh, bởi làm tốt công tác truyền thông sẽ nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và người dân, tạo sự đồng thuận cao trong công tác quản lý và bảo vệ.
Ông Bùi Xuân Trường-Quản đốc Dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học) cho hay: Theo quy định và hướng dẫn của UNESCO về hoạt động truyền thông tại khu DTSQ, truyền thông đúng cách sẽ giúp truyền cảm hứng, chia sẻ niềm tự hào về thành tích tập thể, và trao quyền cho mọi người chịu trách nhiệm cũng như hành động. Phần lớn sự thành công của các khu DTSQ đều phụ thuộc vào hoạt động truyền thông.
voọc chà vá chân xám có tính đặc hữu quý hiếm-đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Tư liệu
“Cách tiếp cận mới truyền cảm hứng cho một khu DTSQ là tạo ra câu chuyện, một thông điệp, hoặc một khẩu hiệu. Đối với khu DTSQ Kon Hà Nừng, chúng ta phải truyền thông cho các đối tượng như: lãnh đạo địa phương để họ nhận thức được khu DTSQ có đóng góp tích cực cho địa phương; truyền thông cho các doanh nghiệp, gồm các công ty du lịch, nhà đầu tư, công ty sản xuất…; truyền thông cho người dân địa phương, thuyết phục họ là một phần của khu DTSQ, họ có quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý, bảo vệ khu DTSQ”-ông Trường nói.
Kết luận tại diễn đàn, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết: Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận đã khẳng định giá trị đa dạng sinh học và cam kết của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ giá trị đặc biệt của khu DTSQ. Các ngành, các cơ quan có liên quan đã có những hoạt động để góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tiến sĩ Hoàng Thị Thanh Nhàn-Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hà Duy
"Để đáp ứng được yêu cầu quản lý khu DTSQ, cần chú ý đến các vấn đề như: tăng cường nhận thức của các ngành, các cấp về giá trị của khu DTSQ và ý thức bảo vệ môi trường, quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý, quy chế quản lý khu DTSQ theo yêu cầu của pháp luật. Xác định các nhiệm vụ, dự án được thống nhất trong kế hoạch. Điều tra, đánh giá việc phân vùng, làm rõ thông tin ranh giới các vùng. Chú trọng công tác truyền thông, xây dựng các mô hình bảo tồn, sinh kế, du lịch sinh thái, sản phẩm khu DTSQ; lồng ghép bảo vệ khu DTSQ trong phát triển các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục học tập các mô hình trong mạng lưới các khu vực sinh quyển khác phù hợp với đặc thù của Kon Hà Nừng để áp dụng”-TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn đề nghị.
HÀ DUY
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/giai-phap-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-khu-du-tru-sinh-quyen-cao-nguyen-kon-ha-nung-post301183.html