Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: M.Q.
Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo tổng kết dự án điện mặt trời mái nhà trong ngành công nghiệp và thương mại (CIRTS) tổ chức mới đây. Trước đó, để hỗ trợ Việt Nam cải thiện các điều kiện phát triển bền vững hệ thống điện mặt trời mái nhà từ năm 2021, Chương trình hỗ trợ Năng lượng (ESP) của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã cùng với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà trong ngành công nghiệp và tương mại (CIRTS).
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mục tiêu của dự án CIRTS được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong việc tích hợp điện mặt trời mái nhà vào lưới điện, trong đó có Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong khi đó, theo đại diện của GIZ, tính đến cuối năm 2023, ở Việt Nam đã có hơn 101.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, với tổng công suất trên đạt 80.555MW, trong đó tổng công suất các nguồn tái tạo (gió, mặt trời) là 21.664MW, chiếm 27% công suất hệ thống. Như vậy với tổng công suất lắp đặt đạt như trên, đã xấp xỉ bằng 4 lần công suất lắp đặt của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình). Đây là một dấu ấn quan trọng của Việt Nam trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc tăng trưởng này cũng mang đến nhiều thách thức lớn cho EVN trong việc quản lý an toàn hệ thống lưới điện và đảm bảo phân phối điện ổn định, đặc biệt đối với khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt.
Cũng tại hội thảo, đại diện EVN cho rằng, để hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành tốt, Việt Nam cần đảm bảo việc lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống an toàn và hiệu quả là yếu tố quan trọng. Dự án CIRTS đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ EVN thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn chất lượng và quy định về an toàn cháy nổ, đồng thời xây dựng hướng dẫn về vận hành và bảo dưỡng nhằm duy trì hiệu suất hoạt động và kéo dài tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Và với chi phí sản xuất ngày càng giảm, điện mặt trời đang trở thành nguồn điện có giá cả hợp lý trong các loại nguồn điện. Việt Nam có tiềm năng hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để mở rộng việc phát triển điện mặt trời, vì thiết bị được sản xuất trong nước, chi phí nhân công thấp và nguồn bức xạ mặt trời cao.
Tuy nhiên, ông Philipp Munzinger cũng khuyến nghị, việc phát triển thị trường điện mặt trời mái nhà cần đi đôi với tăng cường giám sát điện mặt trời mái nhà và nâng cao độ linh hoạt của hệ thống điện để đảm bảo ổn định, an ninh hệ thống điện: như nâng cao năng lực lưới điện, áp dụng các giải pháp lưu trữ cũng như các chính sách quản lý cân bằng cung, cầu theo thời gian thực. Đồng thời cần cân bằng giữa điện mặt trời mái nhà và các trang trại điện mặt trời quy mô lớn để đảm bảo hiệu quả kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, bà Laura Gutíerrez - Cố vấn kỹ thuật, Dự án CIRTS/GIZ cho rằng, điện mặt trời sẽ là giải pháp đầy hứa hẹn trong tương lai khi nhu cầu năng lượng đang ngày một tăng cao cùng với các cam kết giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng to lớn của điện mặt trời mái nhà, Việt Nam cần vượt qua các thách thức quan trọng liên quan đến chính sách, kỹ thuật, và nâng cao năng lực nguồn nhân lực.
Theo đó, Việt Nam cần có một chiến lược toàn diện, trước hết tập trung vào nâng cấp hạ tầng lưới điện, bao gồm tăng cường lưới điện phân phối để có thể tiếp nhận, giải tỏa công suất điện mặt trời ngày càng tăng, sử dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến để khắc phục tính không ổn định của các nguồn năng lượng tái tạo và triển khai các hệ thống quản lý nguồn năng lượng phân tán để tích hợp hiệu quả các nguồn phát điện phân tán. Tiếp đó, cần đảm bảo vận hành lưới điện ổn định thông qua việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải (DSM) nhằm cân bằng hiệu quả cung, cầu và phát triển các dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ quản lý vận hành lưới điện có tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định.
Kế đến là cần xây dựng quy hoạch hệ thống điện toàn diện, phối hợp hiệu quả từ khâu sản xuất, truyền tải cho đến phân phối để hỗ trợ tích hợp điện mặt trời.
Theo ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), hiện trên toàn cầu, điện mặt trời mái nhà chiếm khoảng 1/3 tổng công suất điện mặt trời lắp đặt. Còn ở Việt Nam, điện mặt trời mái nhà mới chỉ đạt dưới 1% tổng số lượng mái nhà. Do vậy, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cũng như dư địa cho phát triển điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang ưu tiên cho nguồn năng lượng sạch, trong đó có điện mặt trời mái nhà nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng và các cam kết quốc tế tại COP26.
NAM ANH