Giải pháp để giáo dục Việt Nam thăng hạng quốc tế

Giải pháp để giáo dục Việt Nam thăng hạng quốc tế
7 giờ trướcBài gốc
GS. Võ Xuân Vinh. (Ảnh: Thảo Nguyên)
PLVN ghi nhận ý kiến của GS.TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, ĐH Kinh tế TP HCM; là nhà khoa học vừa lọt top 9 nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2024) về vấn đề này.
- Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu mà Tổng Bí thư Tô Lâm kỳ vọng?
- Những năm gần đây, vấn đề giáo dục đào tạo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm; có nhiều chỉ đạo sát sao, nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục được ban hành.
Để ngành Giáo dục Việt Nam thăng hạng trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, trước tiên cần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc hội nhập, tiếp cận các chương trình đào tạo các trường ĐH lớn trên thế giới, có điều chỉnh cho phù hợp trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam để thay đổi chương trình đào tạo.
Tiếp đó là thu hút các giảng viên, nhà giáo giỏi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thậm chí thu hút các nhà giáo người nước ngoài đến giảng dạy tại các trường ĐH tại Việt Nam. Nhà nước cần gỡ bỏ một số thủ tục hành chính, trao quyền cho các trường ĐH chủ động trong việc này.
Song song đó, nâng cao ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để thay đổi phương thức giảng dạy và quản lý sinh viên cho tốt, phù hợp thông lệ thế giới. Tổ chức triển khai mạnh mẽ đầu tư cho nghiên cứu, hướng tới các nghiên cứu có ảnh hưởng được công bố bởi các tạp chí có thứ hạng cao, có tầm ảnh hưởng trong từng ngành, chuyên ngành, lĩnh vực... Chúng ta cũng cần tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ ở nước ngoài, liên kết với các trường ở nước ngoài để tổ chức vào hoạt động nghiên cứu.
Các trường cần khuyến khích, hỗ trợ các giảng viên ĐH tham gia hoạt động nghiên cứu quốc tế như tham dự hội thảo quốc tế, hoạt động nghiên cứu quốc tế; hợp tác các trường ĐH lớn trong các hoạt động giảng dạy nghiên cứu, trao đổi sinh viên và giảng viên. Chúng ta cũng cần đón các giảng viên nước ngoài nghiên cứu và giảng dạy ngắn hạn; cho phép họ đồng tham gia các hội thảo, tọa đàm quốc tế lớn có uy tín…
Nhà nước cần xem xét trao quyền tự chủ cho các trường trong xây dựng lựa chọn chương trình, giảng dạy, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Các trường ĐH cũng cần giao quyền tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, khoa học, đào tạo cho các giảng viên.
Tôi cho rằng, công tác đào tạo phải tiến tới chương trình đào tạo ra những công dân toàn cầu, sinh viên ra trường có thể làm được ở tất cả các Cty trên thế giới. Muốn vậy, đòi hỏi sinh viên phải thích nghi nhanh, rành công nghệ thông tin, giỏi tiếng Anh, có đủ các kỹ năng…
Theo tôi, nếu làm được những vấn đề trên, đến 2030 chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu mà Tổng Bí thư đã kỳ vọng.
- Theo quan điểm của GS, đâu là những hạn chế mà chúng ta đang gặp phải trên đường thực hiện các mục tiêu trên?
- Mặc dù chúng ta đã có những đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, nhưng mức đầu tư so với mặt bằng chung thế giới là chưa đủ lớn.
Về các nhóm nghiên cứu, vẫn còn rào cản trong các chương trình hợp tác quốc tế. Nhiều nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thể hiện được vai trò thủ lĩnh. Các hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên vẫn còn thiếu so với mặt bằng chung như chưa đủ lượng giảng viên trên số lượng sinh viên. Cạnh đó, việc đầu tư cho giảng viên, cho hoạt động dạy tiếng Anh hay các kỹ năng để trở thành giảng viên quốc tế là chưa có.
- Xin cảm ơn GS!
Thảo Nguyên (thực hiện)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/giai-phap-de-giao-duc-viet-nam-thang-hang-quoc-te-post532314.html