Giải pháp để kinh tế Đức thoát khỏi khủng hoảng

Giải pháp để kinh tế Đức thoát khỏi khủng hoảng
7 giờ trướcBài gốc
Cảng container ở Hamburg, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong bài viết đăng trên tạp chí Spiegel, hai nhà kinh tế học Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức, và Enzo Weber, đứng đầu bộ phận nghiên cứu và dự báo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Việc làm (IAB), đã thể hiện sự ủng hộ đối với những thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế của Đức.
Ngành công nghiệp Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử thời hậu chiến. Hoạt động sản xuất bị thu hẹp khoảng 15% so với mức trước đại dịch và mỗi tháng mất đi khoảng 10.000 việc làm công nghiệp.
Các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh ngày càng gay gắt với Đức trong lĩnh vực ô tô và cơ khí. Các công nghệ mới dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) phần lớn đang được phát triển ở Mỹ, sau đó tiếp thị trên toàn thế giới. Và với việc
ông Donald Trump
tái đắc cử Tổng thống Mỹ, kỷ nguyên của chính sách công nghiệp quốc gia sẽ đạt đến một tầm cao mới.
Đức đang mất đi vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực truyền thống và hầu như không đóng vai trò gì trong phát triển các sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh mới.
Để chấm dứt khủng hoảng, chính sách kinh tế của Đức phải được xoay chuyển “để không bị thua trong cuộc chiến trụ hạng”, mà trên hết là khởi xướng một cuộc cạnh tranh chuyển hóa. Thay vì phương châm “thị trường hoặc nhà nước”, phải nhận thức được rằng chỉ có hợp tác giữa nhà nước và thị trường, như sự bổ sung cho nhau, mới có thể vượt qua khó khăn hiện nay.
Mặc dù chưa rõ kinh tế Đức sẽ như thế nào sau 30 năm nữa nhưng có hai điểm chính rõ ràng: khử carbon và công nghệ dựa trên AI. Cả hai đều buộc kinh tế Đức phải tự tái tạo hoàn toàn.
* Cơ hội mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi
Mặc dù trong lĩnh vực sản xuất, chưa bao giờ có ít công ty đóng cửa như hiện nay, ngoại trừ thời kỳ đại dịch COVID-19, và mặc dù có tăng nhưng số lượng nhân viên bị sa thải vẫn thấp hơn mức của thập kỷ 2010. Tuy nhiên, điều đáng báo động là đầu tư giảm trong nhiều năm, số lượng công ty công nghiệp mới được thành lập đang ở mức cực kỳ thấp, số việc làm mới ở mức yếu kém trong lịch sử, và động lực thay đổi ở mức thấp.
Người dân mua sắm tại một chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức, ngày 3/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
* Hỗ trợ cái mới, giảm trợ cấp cái cũ
Vậy thì chính xác những vấn đề cần thiết trong chương trình nghị sự chính sách kinh tế của Đức sẽ là gì? Điểm mấu chốt là hạn chế sự không chắc chắn thông qua chính sách kinh tế có thể dự đoán được và hỗ trợ sự phát triển của các công ty và mô hình kinh doanh mới.
* Dữ liệu là nguyên liệu thô của AI
Đổi mới cần có nền tảng. Khu vực công có thể thu hẹp khoảng cách tài chính quan trọng cho đến khi quy mô thị trường được nâng lên bằng cách tận dụng vốn tư nhân: thông qua bảo lãnh, nạp tiền, cấp vốn bổ sung khi đạt được các mốc quan trọng và quy định cho phép đầu tư vốn mạo hiểm nhiều hơn.
Khu vực công có thể đi đầu trong đổi mới bằng cách tạo nhu cầu cho các thị trường đổi mới, như Mỹ đang thực hiện. Điều này đặc biệt áp dụng cho việc số hóa nhà nước và AI. Đấu thầu phải hướng tới phát triển công nghệ và được thiết kế theo cách mà các công ty nhỏ, sáng tạo có thể thực hiện được. Đơn đặt hàng có thể được kết hợp với bảo lãnh tài chính hoặc thanh toán tạm ứng.
Từ khóa sẽ là AI và nguyên liệu thô của AI là dữ liệu. Để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên AI, nhà nước nên phát triển các bộ dữ liệu, liên kết chúng và cung cấp chúng thông qua các giao diện phù hợp. Trên hết, điều này sẽ cho phép các nhà cung cấp mới đưa những cải tiến ra thị trường. Và nếu muốn đặt các trung tâm dữ liệu và “AI xanh” ở Đức, thì những trung tâm này phải được giảm chi phí năng lượng.
Về mặt chính sách thị trường lao động, phương châm chuyển đổi không chỉ là “quản lý” sự thay đổi theo cách được xã hội chấp nhận mà còn phải kích hoạt kỹ năng của lực lượng lao động có tay nghề đang khan hiếm để thay đổi.
Hiện Đức đã có sẵn lao động có kỹ thuật cần thiết về điện, năng lượng, cơ khí và hóa học nên vấn đề là phát triển thêm các lĩnh vực mới nổi thay vì đào tạo lại hoàn toàn. Và trên tất cả các ngành nghề là kỹ năng kỹ thuật số - kỹ năng mà nước Đức thua xa các nước dẫn đầu.
Tất cả những điều này đặt ra những thách thức lớn cho nước Đức, và chỉ có hợp tác nhà nước và thị trường mới có thể giúp “đầu tàu kinh tế châu Âu” vượt qua khủng hoảng.
Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/giai-phap-de-kinh-te-duc-thoat-khoi-khung-hoang/357495.html