Hiện nay, XK của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhưng đang bị tác động bởi những biến động tình hình kinh tế toàn cầu cùng những quy định khắt khe từ thị trường. Mục tiêu XK duy trì đà tăng trưởng cao đang đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi những ứng biến linh hoạt từ cả phía cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Thị trường biến động, gia tăng thách thức
Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng XK hàng hóa đạt trên 12% so với năm trước; thặng dư thương mại hàng hóa đạt 30 tỷ USD. Với mục tiêu tăng trưởng 12%, kim ngạch XK năm 2025 của Việt Nam phấn đấu ở mức 454 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 424 tỷ USD. Bình quân mỗi tháng kim ngạch XK đạt khoảng 37,8 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 4 tỷ USD/tháng so với năm 2024.
Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: MINH ĐỨC
Những tháng đầu năm 2025, hoạt động XK vẫn giữ đà tăng trưởng, song mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và XK. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15-3, tổng trị giá XK của Việt Nam đạt 82,29 tỷ USD, tăng 6,3%, tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, XK một số nhóm hàng khởi sắc như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,75 tỷ USD, tương ứng tăng 29,2%; cà phê tăng 675 triệu USD, tương ứng tăng 42%; hàng dệt may tăng 603 triệu USD, tương ứng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Ở chiều ngược lại, có nhiều lĩnh vực chịu áp lực dẫn tới tăng trưởng giảm. Điển hình, thép là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, ngành thép đã XK hơn 12,62 triệu tấn sắt thép, thu về hơn 9,08 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và 8,8% về kim ngạch so với năm 2023. Nhưng bước sang năm 2025, hoạt động XK sắt thép của Việt Nam có nhiều biến động cho thấy những thách thức của ngành. Tháng 1-2025, XK sắt thép của Việt Nam giảm 19% về lượng, 24% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (đạt gần 920.000 tấn, với kim ngạch 611 triệu USD). Trong tháng 2-2025, cả nước XK gần 829.000 tấn sắt thép, thu về 535,5 triệu USD, giá trung bình 646 USD/tấn, giảm 9,9% về lượng, giảm 12,4% về kim ngạch so với tháng 1-2025. Trái ngược hoàn toàn so với năm 2024, XK rau quả Việt Nam đang đối mặt với xu hướng giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2025. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 3-2025, XK rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch XK rau quả giảm, kéo lũy kế XK rau quả trong quý I-2025 giảm 13,2% xuống còn 1,1 tỷ USD.
Có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất của XK hiện nay là sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là Mỹ-Trung Quốc đang có nguy cơ lan rộng, tạo hệ quả nghiêm trọng. Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ không chỉ làm gia tăng gánh nặng lên hàng nhập khẩu vào quốc gia này mà còn tạo ra những xáo trộn, sự bất định trong dịch chuyển đầu tư, ảnh hưởng đến bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động trong nước... Tương tự, những thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng tạo thách thức lẫn cơ hội đối với Việt Nam khi nước này là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Phân tích rõ hơn, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, về tác động tích cực, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bởi các DN Trung Quốc và quốc tế đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất để tránh thuế quan từ Mỹ, dẫn đến mở rộng đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam, mở ra cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, tạo cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá.
Một thách thức lớn khác được cộng đồng đặc biệt quan tâm là nhiều quốc gia, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang sử dụng các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh để siết chặt nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050 (gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế). Mới đây nhất, EC đã công bố kế hoạch hành động về thép và kim loại nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, bảo đảm tương lai bền vững cho ngành công nghiệp này tại châu Âu, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề "thép sạch". Hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam nhận 16 cảnh báo từ EU về các loại thực phẩm. Những cảnh báo này cho thấy DN Việt Nam cần sớm rà soát lại quy trình sản xuất, XK và chuẩn bị kịch bản ứng phó phù hợp.
Rà soát lại chuỗi sản xuất, kinh doanh
Việt Nam đã có giao thương với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng xuất-nhập khẩu tập trung ở thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khối ASEAN. Điều này khiến sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam bị lệ thuộc vào một số thị trường lớn, khi có biến động dễ bị rủi ro. Trước những biến đổi của thị trường, DN Việt Nam nên rà soát lại chuỗi sản xuất, kinh doanh từ nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào đến thị trường đầu ra cho sản phẩm; từ đó xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị kịch bản ứng phó phù hợp.
Khuyến nghị đối với DN Việt Nam trước sự thay đổi chính sách của EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mang lại ưu thế rõ rệt cho hàng Việt Nam. Do vậy, DN Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng để tận dụng lợi thế này, chiếm lĩnh thị trường trước khi rất nhiều hiệp định thương mại tự do được EU kết thúc đàm phán (dự kiến trong năm nay và năm sau). Bên cạnh đó, các hiệp hội cần yêu cầu DN nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, hướng dẫn DN sản xuất và XK theo quy định, tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Từ góc độ DN, trước những diễn biến của thị trường, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nêu rõ, hiện các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ chưa có sự định hình rõ ràng, các chính sách về thuế đối ứng có thể thay đổi liên tục. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nâng cao tính tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, hoàn thiện các tiêu chí sản xuất xanh.
Để giữ đà tăng trưởng cao của XK, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương thời gian tới là tiếp tục chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin tới các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường XK để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam để khuyến nghị các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất-nhập khẩu đề ra các giải pháp tháo gỡ, bảo đảm mục tiêu XK như kế hoạch đề ra.
VŨ DUNG