Giải pháp nâng chất thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Tiếng Anh

Giải pháp nâng chất thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Tiếng Anh
5 giờ trướcBài gốc
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
6 giải pháp quan trọng
Là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế) chia sẻ 6 giải pháp giúp nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ nhất là nghiên cứu kỹ đề thi minh họa và các tài liệu hướng dẫn. Theo đó, giáo viên cần nắm rõ cấu trúc và yêu cầu của đề thi đổi mới. Các yếu tố như mức độ phân hóa, loại câu hỏi, kỹ năng ngôn ngữ được kiểm tra cần được hiểu rõ.
Trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức để giáo viên thảo luận và phân tích đề thi, từ đó rút ra các chiến lược giảng dạy và đánh giá phù hợp.
Thứ 2, tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hướng đổi mới. Các bài kiểm tra thường kỳ và định kỳ nên được thiết kế sát cấu trúc, dạng câu hỏi của đề thi tốt nghiệp. Điều này giúp học sinh quen dần với định dạng đề thi mới, đặc biệt là các câu hỏi yêu cầu kỹ năng suy luận và phân tích cao.
Tiếng Anh không chỉ là một môn học mà còn là một ngôn ngữ. Vì vậy, giáo viên cần linh hoạt trong việc kiểm tra kỹ năng nghe, nói, viết, nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Sử dụng các câu hỏi tình huống thực tế và đánh giá dựa trên năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ngôn ngữ.
Thứ 3, đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tìm tòi, tham gia vào các hoạt động học tập nhóm. Điều này giúp học sinh phát triển kỹ năng tự học và giải quyết các vấn đề một cách độc lập.
Thứ 4, hỗ trợ học sinh lớp 12 trong việc ôn tập. Trong đó, tổ chức các lớp ôn tập, luyện thi theo chuyên đề, bám sát các kỹ năng cần thiết trong đề thi. Xây dựng các bài tập và đề thi thử, sau đó phân tích kết quả để giúp học sinh nhận diện được những điểm yếu cần khắc phục. Cung cấp thêm tài liệu ôn luyện, đề thi mẫu và hướng dẫn học sinh phương pháp tự học hiệu quả.
Thứ 5, tổ chức các buổi thi thử, hội thảo. Nhà trường cần tổ chức các buổi thi thử định kỳ để học sinh lớp 12 làm quen với đề thi mới và áp lực thời gian thực tế. Sau mỗi lần thi thử, tổ chức phân tích kết quả và phản hồi kỹ lưỡng để học sinh biết được điểm mạnh và yếu của mình.
Đồng thời, tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ chiến lược ôn tập, kinh nghiệm thi cử cũng như hướng dẫn học sinh về chiến lược làm bài hiệu quả.
Thứ 6, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và kiểm tra. Việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp học sinh tiếp cận các dạng đề thi đổi mới nhanh chóng hơn; dễ dàng cung cấp thêm tài liệu ôn luyện, đề thi mẫu để học sinh luyện tập ngoài giờ học chính khóa. Nhà trường có thể triển khai các buổi kiểm tra online theo cấu trúc, định dạng đề thi thực tế.
Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi sẽ có những thay đổi. Ảnh: Xuân Phú.
Khắc phục khó khăn xây dựng đề kiểm tra theo yêu cầu mới
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy cho rằng, sự thay đổi về cấu trúc đề thi và yêu cầu kiến thức đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận trong thiết kế bài kiểm tra để phù hợp với cấu trúc, yêu cầu mới.
Việc giáo viên vừa phải giảng dạy theo chương trình mới, vừa phải xây dựng đề kiểm tra bám sát định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, gây áp lực cho thầy cô trong quá trình giảng dạy, kiểm tra; đặc biệt đối với giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm với chương trình mới.
Chương trình GDPT 2018 mới chỉ bắt đầu áp dụng, do đó tài liệu tham khảo, đề thi mẫu hay nguồn tài nguyên phục vụ cho việc xây dựng đề kiểm tra theo cấu trúc mới còn hạn chế. Giáo viên phải tự nghiên cứu và xây dựng đề kiểm tra một cách sáng tạo, trong khi vẫn chưa có nhiều tài liệu chuẩn hóa từ Bộ GD&ĐT.
Giải pháp khắc phục khó khăn trên, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy nhấn mạnh đầu tiên đến việc sinh hoạt tổ chuyên môn cần tập trung vào cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025; phân tích các đề thi mẫu và cách thiết kế câu hỏi.
Khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu thêm tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp để nắm vững phương pháp dạy học và đánh giá theo chương trình mới.
Tổ chuyên môn cần tổ chức chia sẻ tài liệu, xây dựng ngân hàng câu hỏi đa dạng theo các mức độ nhận thức và phù hợp với yêu cầu của đề thi mới. Điều này giúp giảm tải công việc cho mỗi giáo viên, đồng thời tăng cường chất lượng đề thi.
Nhà trường, giáo viên cần trao đổi với cha mẹ học sinh về những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá, thường xuyên; thông báo cho cha mẹ học sinh về tiến độ học tập và kết quả kiểm tra của con em mình. Từ đó, giúp cha mẹ học sinh hiểu rõ và đồng hành cùng nhà trường trong việc hỗ trợ học sinh.
Liên quan đến nội dung này, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy kiến nghị: Do Chương trình GDPT 2018 được sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau, nên việc ra đề thi cần thống nhất về nội dung và hướng dẫn cụ thể để các nhà trường, giáo viên có định hướng dạy học, ôn tập cho học sinh.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên trong việc xây dựng câu hỏi theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhất là các môn mới như Tin học, Công nghệ là những môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nang-chat-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-mon-tieng-anh-post701787.html