Xử phạt hơn 300 triệu đồng với 6 trường hợp vi phạm
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến liên quan đến một số nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.
Ảnh minh họa.
Theo đó, cử tri phản ánh, thời gian qua, một số nghệ sĩ có những biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống như phát ngôn, bình luận thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa, công kích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc có những phát ngôn với luận điệu chống phá Nhà nước. Cử tri kiến nghị Bộ VHTT&DL quan tâm tăng cường công tác quản lý, có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã được xác định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Căn cứ hành vi, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Đối với các nghệ sĩ có những hành vi biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP 2 ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 38/2021/NĐCP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...
Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Cụ thể, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp (gồm 3 tổ chức và 3 cá nhân) có hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; sử dụng từ ngữ, hình ảnh, động tác biểu đạt, đạo cụ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội với tổng số tiền phạt là 325.000.000 đồng.
Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp; buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng.
Căn cứ chức năng, quyền hạn và phạm vi quản lý lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ngay sau đó, UBND các tỉnh, TP đã quan tâm chỉ đạo Sở VHTT&DL/Sở VH&TT triển khai kịp thời, thường xuyên, liên tục, toàn diện quy tắc trên đến Nhân dân, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Qua đó góp phần khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
“Hiện nay, Bộ VHTT&DL đang phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Công an, Bộ TT&TT các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quy trình thí điểm phối hợp, phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2025” - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo
Cùng với tình trạng một số nghệ sĩ có những biểu hiện lệch chuẩn, cử tri còn phản ánh, tình trạng quảng cáo sai sự thật, không đúng quy định, không được kiểm chứng diễn ra tràn lan trên không gian mạng. Điều này gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Cử tri kiến nghị cần quan tâm tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực này và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng vẫn diễn ra tràn lan. Ảnh minh họa
Đối với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ VHT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, để quản lý có hiệu quả về nội dung, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng. Đó là tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo.
Trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Các quy định trên nhằm tăng cường ý thức cho người chuyển tải sản phẩm nói chung, trong đó đặc biệt là người có tầm ảnh hưởng trong việc quảng cáo khi thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến công chúng một cách trách nhiệm, trung thực và hiệu quả.
“Bộ VHTT&DL đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025” - Bộ trưởng Bộ VHT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Thiên Tú