Ô nhiễm không khí "triền miên"
Theo ghi nhận IQ Air, chất lượng không khí Hà Nội sáng nay 15/11 ở mức 168 US AQI, chất lượng không khí ở mức không lành mạnh. Chất gây ô nhiễm chính là nồng độ PM2.5.
Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 15.9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Trong những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội cũng đều nằm trong mức báo động. Ngày 14/11, khu vực Tây Hồ ghi nhận chỉ số ô nhiễm cao (246), Ciputra, Tây Hồ cũng ghi nhận chỉ số lên tới 208. khu vực Cừ Khôi, Long Biên ghi nhận chỉ số AQI cũng ở ngưỡng tím là 225; Lê Duẩn, Hoàn Kiếm có chỉ số AQI 215... Lúc 9h30, nồng độ bụi mịn PM2.5 gấp 20.5 lần mức cho phép của WHO, ngưỡng rất xấu cho sức khỏe.
Ngày 7/11, chỉ số AQI có lúc đạt ngưỡng 205, mức rất kém; chỉ số bụi mịn PM2.5 (µg/m³) có thời điểm ở mức 205, mức rất không tốt cho sức khỏe.
Chất gây ô nhiễm chính ở Hà Nội là nồng độ PM2.5.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, hơn 7,8 triệu phương tiện các loại; nhiều công trình đang xây dựng; dân số đông; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa tốt… là những nguyên nhân chính tác động đến chất lượng không khí Thủ đô.
Theo kết quả quan trắc giai đoạn từ 2019 đến nay cho thấy, hầu hết chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang ô nhiễm, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương.
Trong các vấn đề ô nhiễm không khí, trọng tâm nhất là bụi. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện. Vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ của chúng ta chưa hiệu quả.
Đề xuất phun sương, rửa đường tự động giảm ô nhiễm
Để giảm phát thải, cải thiện không khí, cải thiện môi trường, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: Triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí…
Phát biểu kết luận Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” chiều 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong kiểm soát chất lượng không khí là cùng hành động, tổ chức thực thi các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó cần xác định các mục tiêu ưu tiên, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ngay được tình trạng phát sinh bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Đây được nhận định là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất hiện nay.
Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải, tiến tới không phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.
“Có thể nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 00 giờ đêm đến 6h sáng để xử lý tình huống trong thời gian xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, báo động”, Bộ trưởng đề xuất.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, TP.Hà Nội đang thí điểm mô hình “vùng phát thải thấp”, đây là mô hình cần được ứng dụng, triển khai.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai 4 nhóm giải pháp ưu tiên, trong đó có nghiên cứu, xây dựng các quy định, cơ chế đặc thù nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí đã được ban hành tại Luật Thủ đô như quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp.
Thực hiện giảm phát thải từ các nguồn chính, nhất là nguồn giao thông, trong đó có công tác rửa đường, phân vùng giao thông và thu phí phân vùng; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy; xây dựng khu vực phát thải thấp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trong thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên cấp liên ngành liên vùng.
Anh Thư