Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn hiệu quả trên cả nước?

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn hiệu quả trên cả nước?
14 phút trướcBài gốc
Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định". Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh, thành trên cả nước vẫn còn đang loay hoay đi tìm phương án thích hợp trong việc triển việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Thậm chí, nhiều người dân và kể cả những công nhân thu gom rác vẫn chưa nắm rõ quy định này.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này còn có chỗ chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm trong bối cảnh chính sách, giải pháp chưa đồng bộ và lo ngại về việc “phân loại rác, xử phạt sẽ đánh trống bỏ dùi”.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cứ đổ lỗi cho nhận thức hay ý thức người dân mà không thấy sự thiếu hụt trong chiến lược và quy định của nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, nếu chúng ta tạo ra hạ tầng và thị trường cho các cơ sở phân loại chi tiết rác thải thì lợi ích của tài nguyên thu hồi được do sự phân loại rác thải tại nguồn sẽ là động lực kinh tế cho sự phân loại rác thải tại nguồn mà không cần quá nhiều tuyên truyền giáo dục ý thức. Tôi nghĩ rác là vấn đề chung của xã hội, nên chỉ người dân hay doanh nghiệp thu gom rác không giải quyết được vì các lý do tôi đã nói trên”.
PGS.TS Lưu Đức Hải nêu ví dụ, cần có hạ tầng (diện tích không gian tối thiểu 1-200 m2) đất cho việc đặt cơ sở thu gom tại các phường, xóm. Cần có chính quyền vào cuộc, các cơ sở đó cần có tư cách pháp nhân và hưởng ưu đãi về thuế; cần có thị trường để kinh doanh sản phẩm tài nguyên sau phân loại từ rác,... phải có Nhà nước và chính quyền vào cuộc. Cần xem lại “chiến lược” và quy định phân loại rác tại nguồn để bổ sung cho nó đầy đủ và khả thi. Nếu có được điều đó, các ông bà “ve chai” hay nhiều người nghèo khác sẵn sàng vào cuộc mà không cần tuyên truyền vận động thành phong trào ít có khả năng như hiện nay. Thực tế ta thấy rất nhiều địa phương, trong đó cả Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch triển khai phân loại rác tài nguồn từ ngày 1/1/2025 như Luật và Nghị định BVMT mong muốn.
Đối với các địa phương, mỗi nơi có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu phân loại phải đưa sản phẩm rác sau phân loại vào được các nhà máy hay cơ sở tái chế. Chuyển rác sau phân loại đi quá xa sẽ tốn kém và giảm lợi ích từ việc phân loại. Do đó, tùy điều kiện cụ thể của địa phương: thành phần và tính chất rác thải, hiện trạng nhà máy và các cơ sở tái chế hiện có (nhất là các nhà máy và cơ sở tái chế - giấy, bao bì, lon sắt,...) tại địa phương hay nếu cần xây thêm để quy định việc phân loại cho thành phố/tỉnh mình.
“Cần chú ý đến các loại chất thải rắn khác (chất thải rắn xây dựng, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp – rơm rạ); cũng như không nên chỉ suy nghĩ đến việc đốt rác (ví dụ cần 3-4 kg gỗ mới tạo ra được 1 kg giấy, nếu dùng giấy mà đốt thay cho tái chế chúng ta đang lãng phí tài nguyên đó !). Hãy xem rác là một dạng tài nguyên khi đưa ra chiến lược hay quy định nào! khi đưa ra chiến lược hay quy định nào cần suy nghĩ đến các giải pháp thực hiện chứ không chỉ đưa ra mục tiêu. mọi chiến lược, chính sách lớn của nhà nước cần thực hiện đánh giá tác động xã hội trước khi ban hành”, PGS.TS Lưu Đức Hải lưu ý thêm.
Đồng bộ, vận hành nhịp nhàng các khâu, tạo vòng đời cho rác
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là việc khó, cần có lộ trình phù hợp và tiềm lực kinh tế lớn mới có thể triển khai đồng bộ. "Hiện nay, mặc dù đã đến thời điểm phải triển khai PLRTN, tuy nhiên không phải khu vực nào cũng thực hiện được bởi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Vì vậy để thực hiện hiệu quả, các địa phương cần rà soát lại từng khu vực; nghiên cứu mô hình tại những nơi đã triển khai thành công PLRTN, từ đó điều chỉnh và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của từng khu vực. Việc này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng nếu không làm nhanh và sớm, quá trình PLRTN sẽ càng lâu và khó thực hiện", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng
PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cho rằng: “Với PLRTN, nếu chúng ta cứ tuyên truyền mà không đưa được vào cuộc sống, lâu ngày sẽ mất tác dụng, trong khi việc này rất quan trọng và có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường. Trong việc phân loại rác, điều quan trọng là cần có lộ trình phù hợp và tùy theo năng lực của từng địa phương. Cụ thể, thay vì phân ra 3 loại thì bước đầu chỉ nên phân thành 2 loại là có thể tái chế và loại còn lại. Hoặc với những địa phương có dự án điện rác thì phân thành loại có thể đốt và không thể đốt. Sau một thời gian đủ lâu để hình thành thói quen như vậy thì chuyển sang giai đoạn 2 là nâng cao và chi tiết hơn, phân rác thành 3 - 4 loại. Song song với việc khuyến khích PLRTN thì giải pháp quan trọng là phải tổ chức lại và nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom, xử lý rác”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết– Viện trưởng Viện Khoa học và môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, để hệ thống quản lý chất thải rắn tổng hợp được vận hành tốt và có hiệu quả thì cần có sự đồng bộ, vận hành nhịp nhàng từ khâu rác thải phát sinh rồi thu gom, vận chuyển, chung chuyển xử lý tái chế tới chôn lấp và tiêu hủy. Vì vậy, cần có sự đầu tư, quyết tâm đồng bộ từ các bên liên quan về vấn đề này, trong đó có cả người dân. “Luật đã ban hành và có cơ sở rồi nhưng một số văn bản dưới Luật để hướng dẫn Luật thì cần hoàn thiện hơn để phù hợp hơn. Thứ hai, mô hình phân loại và thu gom cũng cần hiệu quả hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh những hệ lụy đối với môi trường, việc đầu tiên phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất độc hại cho môi trường, cho sức khỏe người dân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xanh. Đây là việc nên làm và phải làm. Tuy nhiên để chính sách dễ dàng đi vào cuộc sống rất cần có một lộ trình phù hợp mà trước hết cần có các giải pháp để nâng cao nhận thức của mọi người dân, doanh nghiệp trong cộng đồng về sự cấp thiết phải thực hiện phân loại rác thải, từ đó hình thành thói quen phân loại rác đúng quy định, bên cạnh đó cũng cần phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, thay đổi cả cách quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-nao-giup-phan-loai-rac-tai-nguon-hieu-qua-tren-ca-nuoc-post1148200.vov