Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững

Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị thường niên nhóm đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị năm 2024 do Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) phối hợp với các đối tác tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/11.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích trồng hồ tiêu cả nước hiện khoảng 115.000 ha, tập trung nhiều nhất ở Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ và Bắc Trung Bộ. Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, do đó, nhóm đối tác công tư hồ tiêu và cây gia vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập từ rất sớm. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 70% hồ tiêu Việt Nam đạt yêu cầu giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) của nước nhập khẩu; 25% nông dân sản xuất hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông dân được tập huấn, tiếp cận dịch vụ nông nghiệp; 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, đến cuối năm 2023, sản lượng hồ tiêu được sản xuất bền vững đã vượt qua mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, hồ tiêu là cây trồng khá nhạy cảm, dễ nhiễm bệnh, phổ biến như các bệnh tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm bệnh thán thư… do đó việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng để vừa phòng ngừa hiệu quả vừa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.
“Hiện nay, hồ tiêu thế giới đang trong chu kỳ tăng giá, trong năm 2024 giá hồ tiêu đã tăng gấp đôi so với thời gian trước là động lực để nông dân đầu tư rất mạnh cho cây tiêu. Nếu sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến mất cân đối hệ vi sinh đất, nguy cơ lặp lại tình trạng cây tiêu chết hàng loạt những năm 2015 - 2017 do đất yếu, cây yếu. Do đó, thời gian tới các bên liên quan, đặc biệt là nông dân trồng hồ tiêu cần tập trung vào việc sản xuất xanh, áp dụng canh tác sinh thái, tuần hoàn để duy trì sản lượng và chất lượng bền vững”, ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, hồ tiêu Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tính riêng 10 tháng năm nay, xuất khẩu hồ tiêu đã thu về hơn 1,1 tỷ USD, ước tính cả năm 2024 có thể đạt 1,4 tỷ USD. Ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nguồn cung cấp gia vị chất lượng cao, được sản xuất bền vững, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu.
Nhờ giá hồ tiêu tăng cao, năm nay người nông dân trồng tiêu đang được hưởng lợi, có thu nhập tốt. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, hồ tiêu cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, sâu bệnh ngày càng phức tạp, cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chi phí sản xuất tăng cao. Theo đó, diễn biến thời tiết khó lường, hạn hán, mưa lớn và nhiệt độ thay đổi thất thường là thách thức đối với người nông dân ở Việt Nam. Điều này làm tăng chi phí đầu tư vào tưới tiêu và phòng ngừa dịch bệnh để duy trì năng suất. Bên cạnh đó, thời gian giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều nông dân đã chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng và cà phê làm giảm diện tích và tổng sản lượng.
Về thương mại, tình hình bất ổn địa chính trị diễn ra tại một số khu vực ảnh hưởng đến việc giao thương xuất khẩu, dẫn tới giá cả biến động, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu tăng ở Hoa Kỳ và châu Âu nhưng giảm ở Trung Quốc và Trung Đông đã tác động đến giá thị trường nội địa có thời điểm diễn biến tăng giảm đột ngột.
Trong bối cảnh đó, bà Hoàng Thị Liên cho rằng, những thách thức trên vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để chuỗi cung ứng hồ tiêu điều chỉnh phương pháp canh tác và quy trình sản xuất. Các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn môi trường tại các thị trường lớn sẽ giúp nông dân nhận thức rõ hơn về việc sử dụng chế phẩm sinh học và thực hiện biện pháp canh tác, chăm sóc bền vững hơn.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin tình hình sản xuất hồ tiêu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Hiệp hội và các đối tác công sẽ tiếp tục triển khai chương trình phát triển bền vững thông qua việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tiêu chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Thúc đẩy canh tác hữu cơ và giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, đồng thời triển khai các chương trình bảo vệ môi trường.
Xuân Anh/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/giai-phap-phat-trien-ho-tieu-ben-vung/354506.html