Giải pháp phát triển kinh tế bền vững ở Quảng Ngãi

Giải pháp phát triển kinh tế bền vững ở Quảng Ngãi
13 giờ trướcBài gốc
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định
Đến Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi ghi nhận sự đổi thay của vùng quê nơi đây. Đồng chí Đàm Minh Lễ, Phó trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Với quy mô 45.332ha, qua hơn 28 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất có những bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những KKT tiên phong và thành công của Việt Nam; trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. Đến nay, tại KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút 349 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký khoảng 18,4 tỷ USD (trong đó có 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký khoảng 2,3 tỷ USD), vốn thực hiện đạt khoảng 12 tỷ USD, có 261 dự án đã đi vào hoạt động; đóng góp ngân sách hằng năm khoảng 1 tỷ USD (chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách của tỉnh) và giải quyết việc làm cho khoảng 73.900 lao động.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh năm 2010) bình quân giai đoạn 2021-2025 ước tính tăng 6,64%/năm (dự báo xếp thứ 3/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 8/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố cả nước). Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) có sự tăng trưởng qua từng năm và đang dần trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, dự kiến đến năm 2025 đạt 149.302 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 11,74%/năm (dự báo xếp thứ 2/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 4.460USD/người; năm 2025 dự kiến đạt 4.751USD/người (dự báo xếp thứ 2/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước).
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi thiếu ổn định. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là 16,2% năm 2013; thấp nhất 0,7% năm 2014 trong giai đoạn 2010-2018; sau đó tăng trưởng âm hai năm 2019-2020 do đại dịch Covid-19. PGS, TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: Sự biến động này phản ánh những thách thức về cơ cấu kinh tế và khả năng duy trì phát triển bền vững. Tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển được các động lực mới cho tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo hay du lịch chất lượng cao để bổ sung cho các ngành công nghiệp truyền thống. Mặc dù quy mô kinh tế đã mở rộng, song vị trí của tỉnh vẫn ở mức trung bình so với các địa phương dẫn đầu, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. Chính sách công nghiệp của tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ở vùng đồng bằng phía Đông, trở thành động lực phát triển giai đoạn đầu, nhưng gia tốc không còn, mất cân bằng trong phát triển, độ lan tỏa và hiệu quả chưa cao, không còn phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đang chuyển dần sang hướng năng suất và hiệu quả...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, với trọng tâm là lọc hóa dầu. Sự phụ thuộc lâu dài vào ngành hóa dầu cho thấy nền kinh tế Quảng Ngãi vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn tài nguyên và sản xuất công nghiệp thô. Vì vậy, PGS, TS Bùi Quang Bình đề xuất: Quảng Ngãi cần giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng cách phát triển thêm các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và các ngành dịch vụ giá trị cao. Việc đa dạng hóa này sẽ giúp địa phương giảm thiểu rủi ro kinh tế và tăng tính ổn định trong tăng trưởng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, như: Sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn và tự động hóa nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao với hạ tầng hiện đại và tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến...
Theo GS, TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, để phát triển theo hướng bền vững, Quảng Ngãi cần tập trung vào các định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế. Trước hết, tỉnh cần triển khai các chính sách mạnh mẽ để phát triển bền vững, với trọng tâm là năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng truyền thống và bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng hệ sinh thái hydro sạch, giúp phát triển công nghệ mới và giảm thiểu khí thải carbon. Thứ hai, định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải và ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp; đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thứ ba, phát triển bền vững bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế cộng sinh. Trong kinh tế tuần hoàn, cần khuyến khích các ngành công nghiệp tái chế chất thải, sử dụng công nghệ sạch và phát triển sản phẩm sinh thái để giảm thiểu ô nhiễm. Các khu công nghiệp như VSIP có thể chia sẻ tài nguyên và năng lượng, tạo ra chuỗi giá trị khép kín giữa các ngành. Đồng thời, kinh tế cộng sinh có thể được thực hiện bằng cách kết nối các ngành công nghiệp với nông nghiệp, giúp tái sử dụng chất thải nông nghiệp và tạo ra giá trị gia tăng.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Tỉnh Quảng Ngãi cần rút ngắn khoảng cách kết nối với Quảng Nam, Bình Định và TP Đà Nẵng; đầu tư xây dựng đường bộ tốc độ cao nối khu vực ven biển Quảng Ngãi với Bình Định, Quảng Nam; thúc đẩy nhanh khớp nối cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi với KKT Dung Quất nhằm rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, lưu thông giữa Quảng Ngãi đến các địa phương, tạo tính liên thông thị trường, sự di chuyển dễ dàng và thuận lợi của các nguồn lực kinh tế (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) giữa hai địa phương gần nhau.
Đặc biệt, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững; đưa tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động điều hành nền kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cảng, du lịch, công nghiệp; xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát triển xanh cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi các KKT, khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm môi trường nhằm nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật môi trường tại địa phương...
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-phat-trien-kinh-te-ben-vung-o-quang-ngai-808453