Trong những năm gần đây, thẻ tín dụng và các hình thức tín dụng tiêu dùng đã trở thành công cụ tài chính phổ biến cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, chi phí sinh hoạt gia tăng, các khoản vay ngân hàng dễ dàng tiếp cận và việc tiêu dùng tín dụng trở thành giải pháp tài chính tức thời. Một trong những giải pháp này chính là sử dụng thẻ tín dụng với tính năng “mua trước, trả sau” tiện lợi, giúp người tiêu dùng giải quyết các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn mà không phải đợi đến kỳ lương hoặc tài chính dài hạn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực tài chính ngày càng tăng, nhiều người đã phải dùng thẻ tín dụng để trả các khoản nợ cũ, tạo nên một vòng xoáy đảo nợ. Có thể là giải pháp tạm thời trong những tình huống cấp bách, nhưng nó lại dễ dàng dẫn đến một “bẫy nợ”. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng có thể sa vào vòng luẩn quẩn của nợ nần, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và tinh thần.
Ngân hàng hiện đang triển khai đa dạng các loại thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Chị V.T (Phường 1, TP Cà Mau) kể về câu chuyện tài chính của mình: “Lúc đầu, tôi mở thẻ tín dụng chỉ để tiện cho việc mua sắm và thanh toán chi phí hằng ngày. Tôi nghĩ đơn giản, đây là khoản tiền ngân hàng cho mượn tạm, rồi mình sẽ trả lại sau. Rồi vợ chồng mua ô tô để cho thuê, lấy tiền cho thuê trả góp hằng tháng. Không ngờ, việc cho thuê xe lại không thuận lợi như tính toán, nên tôi đành dùng thẻ tín dụng để xoay xở chi phí. Từ đó tôi bắt đầu rơi vào vòng xoáy khó khăn, ban đầu dùng thẻ để trả nợ cũ, rồi nợ mới lại phát sinh. Nợ chồng lên nợ, khiến tôi ngày càng áp lực và mất kiểm soát trong việc quản lý chi tiêu”.
Trong thực tế, việc dùng thẻ tín dụng để trả các khoản nợ cũ không phải là một quyết định tài chính sáng suốt. Một trong những hệ lụy rõ ràng từ việc vay tín dụng để trả nợ là việc tạo ra một khoản nợ mới, lớn hơn, thay vì giải quyết dứt điểm các khoản nợ cũ. Nếu người vay không có chiến lược tài chính hợp lý, khoản vay này sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian, khiến người vay không có khả năng kiểm soát và dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy nợ không có lối thoát. Thực tế cho thấy, rất nhiều người tiêu dùng đã phải vay mượn ngoài ngân hàng, vay thêm các khoản vay tín dụng mới để trả nợ cũ, khiến tình trạng tài chính của họ ngày càng nghiêm trọng.
Chị T.M, chuyên viên tín dụng của một ngân hàng thương mại tại Cà Mau, chia sẻ: “Việc dùng thẻ tín dụng để trả nợ không phải là một chiến lược tài chính an toàn. Nếu người dùng không đủ khả năng thanh toán kịp thời, lãi suất sẽ nhanh chóng cộng dồn và số nợ sẽ trở nên lớn hơn nhiều so với khoản vay ban đầu”.
Chị M kể lại một trường hợp cụ thể: “Trước đây tôi làm ở vị trí giao dịch viên, gặp nhiều trường hợp lắm. Như có lần một khách hàng, làm công việc bảo vệ, chú sử dụng thẻ tín dụng đến mức tối đa hạn mức, mỗi tháng chú đều thanh toán số tiền tối thiểu nhưng lại than thở rằng nợ mãi không hết, cứ thấy còn hoài. Ðây chính là hệ quả của việc chưa hiểu rõ cách sử dụng thẻ. Khi nợ tín dụng không được thanh toán đúng hạn, lãi suất liên tục phát sinh, khiến khoản nợ như một vòng luẩn quẩn không có lối thoát".
Chị M nhấn mạnh: “Bất kỳ loại thẻ tín dụng hay hình thức tài chính nào cũng có thể mang lại lợi ích, nhưng chỉ khi được sử dụng hợp lý. Người dùng cần hiểu rõ và không nên quá lạm dụng, bởi sự thiếu hiểu biết hay chủ quan có thể dẫn đến những hệ lụy tài chính nghiêm trọng”.
Tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn khi người dùng không chỉ phụ thuộc vào một thẻ tín dụng mà thậm chí còn sử dụng nhiều thẻ tín dụng từ các ngân hàng khác nhau để luân phiên trả nợ. Ðây là một dạng vay nợ xoay vòng không ít người đang mắc phải, khiến cho vòng xoáy nợ không có điểm dừng.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại đẩy mạnh khuyến khích người tiêu dùng mở thêm thẻ tín dụng và tăng hạn mức chi tiêu, bằng cách đưa ra các ưu đãi hấp dẫn như: miễn phí thường niên, giảm giá mua sắm, hoàn tiền khi chi tiêu qua thẻ, các ngân hàng đã làm cho thẻ tín dụng trở thành một sản phẩm rất dễ tiếp cận. Việc này mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng, nhưng đối với người tiêu dùng, đó lại là con dao hai lưỡi.
Ông Lê Quán Thượng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Cà Mau, thẳng thắn: “Về bản chất, thẻ tín dụng là một công cụ tài chính rất tiện ích và mang lại nhiều ưu đãi. Thẻ cho phép khách hàng chi trả trước khi chưa có đủ tài chính, hỗ trợ họ trong những tình huống cần thiết. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều khách hàng lại lạm dụng tính năng này, vượt quá khả năng tài chính thực sự của mình”.
Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và có kế hoạch tài chính hợp lý để tránh rơi vào bẫy nợ tiềm ẩn mà những công cụ tài chính này có thể tạo ra./.
Việt Mỹ