Lực lượng vũ trang huyện Đam Rông ra quân làm công tác dân vận tại xã Rô Men. (Ảnh do Ban CHQS huyện Đam Rông cung cấp)
Đam Rông hiện có hơn 58 nghìn dân, với 22 dân tộc sinh sống. Trong đó bà con DTTS chiếm 65%.
Trong những năm qua, huyện Đam Rông nói chung và vùng đồng bào DTTS của địa phương nói riêng có sự phát triển về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Đây là nền tảng thuận lợi để các lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
Tuy có nhiều chuyển biến song công tác phối hợp của lực lượng vũ trang với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật vùng đồng bào DTTS ở huyện Đam Rông những năm qua còn gặp một số khó khăn nhất định. Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Lưu Văn Ánh - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Đam Rông cho biết: Trong vùng đồng bào DTTS của địa phương hiện có một bộ phận bà con (nhất là những người lớn tuổi) trình độ dân trí thấp, khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật chưa đồng đều; một số vùng bà con vẫn ứng xử và giải quyết các quan hệ theo phong tục truyền thống của từng dân tộc, từng vùng, miền; phần lớn bà con chưa chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật… Bên cạnh đó, do địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, nhiều nơi bà con sinh sống biệt lập gây khó khăn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong khi đó, các phần tử xấu và thế lực thù địch thường lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sản xuất và sự thiếu hiểu biết về chủ trương, pháp luật của bà con để mua chuộc, dẫn dụ...
Do vậy, công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS luôn là nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên. Và từ năm 2021 đến nay, Ban CHQS huyện Đam Rông đã bám sát Đề án 1371 về “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” để triển khai, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Thống kê của Ban CHQS huyện Đam Rông cho thấy, từ năm 2021 đến nay đã có trên 5.200 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 10.000 lượt Nhân dân được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức; trên 170 tin, bài pháp luật được phát trên hệ thống truyền thanh của huyện; nhiều tin, bài pháp luật được đăng trên các trang, nhóm của đơn vị.
Ban CHQS huyện Đam Rông cũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã để tiến hành khảo sát về nhu cầu phổ biến giáo dục pháp luật của các nhóm đối tượng. Đồng thời, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để có phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.
Trên cơ sở đó tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Trong đó chú trọng việc tuyên truyền Nhân dân chấp hành một số luật như: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Dân quân Tự vệ năm 2019, Luật Giao thông đường bộ năm 2021, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Luật Dự bị động viên, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng,… gắn với thực trạng của địa phương, đơn vị.
Ban CHQS huyện Đam Rông cũng đã chủ động nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên trong lực lượng vũ trang huyện thông qua việc cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật do Bộ CHQS tỉnh và UBND huyện tổ chức. Tăng cường cử cán bộ học tiếng K’Ho và kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền phổ biến pháp luật vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của bà con.
Ngoài tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho người dân, Ban CHQS huyện còn lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua các hoạt động phối hợp giữa lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương, nhất là công tác dân vận, các đợt tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở; hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức quần chúng và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở. Thông qua các hoạt động gắn kết quân - dân, lực lượng vũ trang đã kết nối, phát huy vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, già làng, trưởng bản - cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS. Việc vận động đội ngũ này tích cực, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật đã góp phần quan trọng để các cộng đồng bà con DTTS tuân thủ và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời vận động người dân tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài “nói cho dân nghe”, lực lượng vũ trang huyện Đam Rông còn chú trọng việc “làm cho dân tin” thông qua việc hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp bà con khắc phục khó khăn trong các đợt thiên tai, bão lũ…
Qua đó, lực lượng vũ trang xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của bà con, không chỉ giúp bà con nâng cao nhận thức mà còn phát huy ý chí tự lực, tự cường phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
NGỌC NGÀ