Giải pháp ứng phó với tình huống xảy ra rung chấn, động đất

Giải pháp ứng phó với tình huống xảy ra rung chấn, động đất
17 giờ trướcBài gốc
Nhiều hộ dân ở chung cư Diamond Riverside (Quận 8) phản ánh tường căn hộ bị nứt sau đợt rung chấn do ảnh hưởng từ trận động đất xảy ra tại Myanmar ngày 28/3.
Bà H, sinh sống tại tầng 15, chung cư Diamond Riverside (Quận 8) cho biết, chiều 28/3, khi xảy ra động đất tại Myanmar, bà đang dọn nhà thì thấy nhiều đồ đạc rung lắc nên vội bồng cháu chạy xuống đất. Theo bà H, kể từ khi dọn về đây ở từ đầu năm 2021 bà chưa gặp tình trạng này bao giờ. Sau khi các đợt rung chấn qua đi, lúc quay trở lại căn hộ, bà thấy tường ở phòng khách và hành lang xuất hiện những vết nứt.
Chung cư Diamond Riverside là tòa nhà bị nhiều ảnh hưởng từ trận động đất tại Myanmar. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân Phường 16, Quận 8, có khoảng hơn 300 hộ xuất hiện tình trạng nứt tường với chiều dài từ một đến hai mét. Tuy các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh xác định các vết nứt này không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của tòa nhà nhưng vẫn làm cho người dân lo lắng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Tấn Tiên, điều phối viên Chương trình đào tạo Kỹ thuật và Quản lý Xây dựng, Đại học Việt Đức cho biết, theo quy định hiện hành: Các nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế chịu tải trọng động đất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012. Đây là tiêu chuẩn được biên soạn trên nền tảng của tiêu chuẩn châu Âu (Eurocode 8) áp dụng cho nhà ở cao tầng tại Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng bản đồ về gia tốc nền cho tất cả các khu vực, thể hiện qua ba mức độ (động đất mạnh, yếu và rất yếu). Khu vực có địa chất yếu, nguy cơ xảy ra động đất cao vì nền đất có thể di chuyển mạnh (gia tốc nền lớn), truyền lực lên trên khiến công trình bị phá hoại. Ở mỗi mức độ động đất sẽ có yêu cầu kháng chấn khác nhau. Thí dụ khu vực động đất mạnh, yêu cầu thiết kế công trình có khả năng kháng chấn cao, vùng động đất yếu hay rất yếu sẽ giảm bớt yêu cầu kháng chấn xuống. Khả năng kháng chấn của một công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về nguyên tắc, các tòa nhà được cô lập dao động thì càng tốt (nghĩa là dao động truyền từ nền đất và dao động của tòa nhà độc lập với nhau) hoặc cấu tạo của tòa nhà hấp thu năng lượng càng nhiều thì khả năng kháng chấn càng cao. Khả năng chống động đất của tòa nhà còn phụ thuộc vào khối lượng phân bố tại các tầng. Các vật dụng càng nặng, khi bị rung lắc, ảnh hưởng đáng kể đến biên độ dao động tòa nhà, đặc biệt có thể cộng hưởng với sóng địa chấn dẫn đến rung lắc mạnh hơn.
Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn động đất dựa trên các tiêu chuẩn cao của châu Âu (Eurocode 8). Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn này cho các công trình là một bài toán khó. Vấn đề ở chỗ chi phí xây dựng cho công trình có cấu tạo chống động đất và không chống động đất là rất khác nhau (tăng giảm thêm 30% kinh phí tùy lựa chọn). Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn trong khi xác suất xảy ra động đất là khá thấp ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam. Ngoài ra, việc vận hành bảo trì kết cấu kháng chấn sẽ khác và phức tạp hơn so với các công trình thông thường.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3205/ QĐ-UBND, ngày 1/9/2021 về phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó tập trung xây dựng các kịch bản, tình huống cơ bản ứng phó với động đất. Quyết định cũng xây dựng phân công nhiệm vụ, chức trách của các cơ quan chức năng trong diễn tập tình huống, hỗ trợ di tản người dân ra khỏi vùng xảy ra động đất, sóng thần. Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay, Thành phố chưa có tâm phát ra động đất mà chỉ là vùng bị ảnh hưởng. Trước đó, năm 2005, khi động đất xảy ra ngoài khơi biển Vũng Tàu (cách thành phố hơn 100 km), cũng đã có hiện tượng rung nhẹ tại một số công trình, nhà cao tầng tại thành phố, nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Mặc dù khả năng xảy ra động đất ở mức nhỏ nhưng thành phố cũng lưu ý sự tác động của dư chấn đến các chung cư cao tầng cũ (thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975), các cao trình có móng yếu, công trình chất lượng kém.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua sự cố vừa rồi, đơn vị đã làm việc với ban quản lý các chung cư, các địa phương để xác định nguyên nhân chính xác, đồng thời triển khai giải pháp ứng phó với các tình huống xảy ra rung chấn, động đất. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, các cơ quan chức năng của Thành phố khuyến cáo người dân chuẩn bị sẵn các dụng cụ, đồ dùng y tế đặt ở nơi dễ lấy. Khi xảy ra rung chấn, động đất cần nhanh chóng tìm vị trí ẩn nấp như bàn làm việc, tủ, tránh các khu vực cửa kính, ban công,…Quá trình di chuyển cần che chắn đầu bằng các vật có thể làm bảo hộ như mũ, gối để tránh các thương tích. Khi thoát nạn xuống đất cần lánh nạn ở các bãi đất trống; tránh xa khu vực nhà cao tầng, gầm cầu, bảng quảng cáo ngoài trời, cột điện.
Bài và ảnh: QUANG QUÝ - NHẬT THÀNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/giai-phap-ung-pho-voi-tinh-huong-xay-ra-rung-chan-dong-dat-post869973.html