Trang trại nuôi trùn quế của anh Trịnh Văn Khỏe được đầu tư kiên cố.
Với mô hình vườn - ao - chuồng trên diện tích hơn 1ha, gia đình anh Trịnh Văn Khỏe, bản Cang, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ duy trì nuôi thả hơn 3.000m2 ao cá, nuôi 20 con trâu, bò, hàng trăm con gia cầm và hàng nghìn mét vuông trồng cây ăn quả, rau màu. Tận dụng chất thải từ nông nghiệp, khoảng 3 năm nay, anh Khỏe đã đầu tư nuôi trùn quế để sản xuất trùn quế và phân trùn quế phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín được anh Khỏe triển khai khá thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để triển khai mô hình nuôi trùn quế, trên diện tích 1.000m2, ngoài đầu tư xây chuồng trại kiên cố, anh Khỏe đầu tư mua sinh khối (giun và kén giun, môi trường sống, phân giun tầng gần mặt luống) từ cơ sở sản xuất giống ở dưới xuôi. Đất nuôi trùn quế phải đạt được các điều kiện: tơi, xốp, sạch, giàu dinh dưỡng… Mật độ thả giun giống khoảng 7 - 10 sinh khối/1m2.
Anh Trịnh Văn Khỏe cho biết: “Xuất phát từ vấn đề chất thải trong chăn nuôi của gia đình, tôi tham khảo quy trình, kỹ thuật nuôi trùn quế qua tài liệu, sách báo, trên internet. Tận dụng những phụ phẩm, phế phẩm như: phân trâu, bò, gia cầm, rơm rạ, rau củ quả thừa để làm thức ăn cho trùn quế. Do trùn quế rất sợ ánh sáng nên khu vực nuôi phải che chắn thật kỹ, có mái che kiên cố tránh mưa và ánh nắng trực tiếp, trên mặt luống nuôi trùn quế còn được phủ lớp lưới đen để che ánh sáng. Nhờ đặc tính phân hủy chất thải tốt, trùn quế sẽ biến phân, các phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Đất nuôi trùn quế phải đạt được các điều kiện: tơi, xốp, sạch, giàu dinh dưỡng.
Mỗi tháng cơ sở nuôi trùn quế của anh Khỏe cung cấp ra thị trường từ 20 - 25 tấn phân trùn quế, với giá bán từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cho thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng. Anh Khỏe cho biết thêm: Ngoài bán phân trùn quế, trùn quế còn được tôi sử dụng làm thức ăn cho đàn vật nuôi của gia đình. Cứ 1m2 nuôi trùn quế, sau 1 tháng sẽ cho thu từ 1,4 - 1,8kg trùn quế. Sau đó, trùn quế sẽ được chế biến thành cám cung cấp protein cho vật nuôi. Nhờ đó, góp phần giảm đáng kể chi phí mua thức ăn chăn nuôi.
Phân trùn quế được xem là “vàng đen” của nhà nông. Đây là loại phân bón hữu cơ không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn chứa nhiều vi sinh vật có lợi, giúp cải thiện chất lượng đất, tăng năng suất và chất lượng cây trồng nên được sử dụng nhiều trong trồng hoa, cây cảnh và sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Là người đam mê sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đang đầu tư mô hình nuôi trùn quế, theo anh Trần Văn Sơn, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, nuôi trùn quế mặc dù không đòi hỏi công nghệ cao hay kỹ thuật phức tạp, tuy nhiên, phải đảm bảo các yếu tố chuồng trại kiên cố, có mái che, ánh sáng vừa phải, nguồn thức ăn đầy đủ và một điều quan trọng là độ ẩm tốt. Phân chuồng trước khi làm thức ăn cho trùn quế phải pha thêm nước sạch, đánh lỏng ra. Còn đối với các loại rau, củ, quả nên ủ cho mục rồi mới cho trùn quế ăn. Đặc biệt, hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ hoàn toàn có thể tự làm phân trùn quế tại nhà bằng cách tận dụng những vật liệu đơn giản như thùng xốp và chất thải chăn nuôi, các loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hằng ngày.
Nuôi trùn quế là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Dù mang lại nhiều lợi ích và cả hiệu quả kinh tế nhưng thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh mô hình nông nghiệp tuần hoàn này chưa được ứng dụng rộng rãi và quy mô còn hạn chế. Được biết, trước đây, tại xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, mô hình nuôi trùn quế từng được triển khai tuy nhiên sau một thời gian người dân không duy trì nữa. Theo lãnh đạo xã Mường Đăng, thời gian đầu giun quế phát triển khá tốt, tuy nhiên đến thời điểm mùa đông, nhiệt độ xuống thấp giun dễ bỏ ăn, hơn nữa do kỹ thuật nuôi của người dân còn hạn chế nên giun quế chết dần, người dân bỏ không nuôi nữa.
Thiết nghĩ, trước những lợi ích từ mô hình nuôi trùn quế, đặc biệt là góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất cần có những giải pháp hiệu quả để lan tỏa mô hình sản xuất này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, do đó nhu cầu về phân bón hữu cơ ngày càng tăng. Việc sản xuất phân trùn quế sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Bài, ảnh: Thu Hằng