Tổ công tác của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp rà soát, xác minh hồ sơ nguồn gốc đất trong phạm vi Dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới.
Tại nhà văn hóa xã Thanh Thịnh, không khí làm việc diễn ra khẩn trương. Các tổ công tác của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp với Chi nhánh Trung tâm quỹ đất khu vực VI và chính quyền địa phương tập trung rà soát, xác minh hồ sơ nguồn gốc đất, đối thoại và giải đáp thắc mắc cho người dân.
Ông Hoàng Văn Tiếu, Trưởng thôn Hợp Nhất, cho biết: Cán bộ chuyên môn về làm việc trực tiếp tại xã đã giúp giải quyết rất nhiều tồn tại trước đây. Những thắc mắc liên quan đến nguồn gốc đất, đơn giá đền bù hay chính sách hỗ trợ đều được làm rõ, công khai, minh bạch, giúp bà con yên tâm hơn.
Việc giải quyết hồ sơ tại cơ sở đã rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ và tăng hiệu quả vận động, thuyết phục người dân. Qua đó, nhiều hộ dân đã chuyển từ chần chừ, thắc mắc sang đồng thuận, hợp tác trong quá trình thu hồi đất.
Theo thống kê, tính đến ngày 20-7, toàn tuyến dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vẫn còn một số điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tại xã Thanh Thịnh, còn 151 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, với tổng kinh phí khoảng 94,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do có sự chồng lấn đất với các dự án khác hoặc người dân chưa đồng thuận với đơn giá đền bù, đề nghị được hỗ trợ thêm.
Đặc biệt, có 52 hộ thuộc diện chồng lấn với ba dự án khác đã được xác định là không đủ điều kiện bồi thường. UBND xã Thanh Thịnh đã phát thông báo yêu cầu các hộ dân tự thu dọn tài sản, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Xã Thanh Mai vẫn còn 42 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, tổng số tiền khoảng 13 tỷ đồng. Vướng mắc chủ yếu do các hộ này có hợp đồng giao khoán trồng rừng với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn, dẫn đến tranh chấp quyền sử dụng và khó khăn trong xác định chủ thể nhận đền bù.
Còn tại phường Bắc Kạn, có 35 hộ dân chưa nhận tiền do chưa đồng thuận đơn giá. Trong số này, có 15 hộ trồng cây lâu năm trên đất lúa và 20 hộ có công trình phải di dời, đòi hỏi phương án bồi thường phải điều chỉnh chi tiết.
Trước thực tế đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác gồm 9 thành viên, phối hợp với Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất khu vực VI, gồm 21 cán bộ, chia thành 3 tổ thực địa, triển khai nhiệm vụ tại các xã có vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Tiến Trữ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, trong đợt này, đơn vị tập trung chi trả cho 1.410 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi đã được phê duyệt phương án bồi thường. Phần lớn các hộ dân đã nhận tiền đền bù, tuy nhiên hiện vẫn còn một số chính sách hỗ trợ bổ sung về chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định đời sống.
“Chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đúng đối tượng, dựa trên xác minh nhân khẩu và diện tích đất bị thu hồi. Chỉ những hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp mới đủ điều kiện hỗ trợ” - ông Trữ nhấn mạnh.
Dự kiến trong vòng 3-4 ngày tới, các tổ công tác sẽ hoàn thành việc chi trả cho 1.410 hộ dân nói trên. Ngay sau đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ tiếp tục triển khai phê duyệt phương án tái định cư theo hình thức tự lo của người dân, đồng thời ban hành thông báo để các hộ dân thu dọn cây cối, hoa màu, chuẩn bị bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Trước đó, tại buổi làm việc với các sở, ngành và chính quyền địa phương vào ngày 19-7, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Loan chỉ đạo: Các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng trước ngày 24/7/2025.
Theo ông Nguyễn Tiến Trữ, nếu tiến độ chi trả và xử lý hồ sơ tiếp tục được duy trì như hiện nay, trong vòng 15 ngày tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ cơ bản hoàn tất các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự kiến, toàn bộ khối lượng công việc về giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thành trong tháng 8-2025, kịp bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn đúng tiến độ.
Hà Lượng