Giải phóng nguồn lực lớn

Giải phóng nguồn lực lớn
6 giờ trướcBài gốc
Dự án khu nhà ở Sài Gòn - Thới An (quận 12) có diện tích hơn 3,1 ha đã thi công và bàn giao cho cơ quan nhà nước một số hạ tầng kỹ thuật như điện, nước.
Bí lối ra
Dự án được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ thực hiện nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015. Từ năm 2019-2021, dự án gặp trở ngại do sự chồng chéo giữa các Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… cũng như rà soát đất xen cài theo Nghị định 148/2020. Doanh nghiệp đã có nhiều văn bản gửi UBND TP HCM và sở liên quan nhưng khó khăn không hết.
Dự án khu nhà ở tại phường Bình Thuận, quận 7 (quy mô 3,7 ha) cũng gặp vướng mắc là đất rạch xen kẹt do nhà nước quản lý theo Nghị định 148/2020.
Dự thảo thay thế Quyết định 37/2023 được nhận xét giúp thành phố giải quyết nhiều vướng mắc góp phần chỉnh trang đô thị
Hai dự án nêu trên đều gặp phải vấn đề là đất công xen kẹt và nằm trong số 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ. 148 dự án này được chia thành 5 nhóm, trong đó nhóm 3 là 16 dự án liên quan tới đất công - doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
HoREA dẫn thống kê trên địa bàn thành phố có hơn 100 dự án bất động sản chậm tiến độ hoặc đình chỉ thi công vì có đất công xen kẹt, từ đó nhận xét nhiều năm qua hàng loạt dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc thủ tục pháp lý bởi lý do này khi tỉ lệ đất công thường chiếm 10% quỹ đất dự án.
Thay quyết định không còn phù hợp
Theo tìm hiểu, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148 cho phép các tỉnh, thành được quy định chi tiết để gỡ vướng cho đất công xen kẹt.
Theo HoREA, trước năm 2008, TP HCM quy định "quy gom" những diện tích đất thuộc nhà nước quản lý hoặc được nhà nước giao quản lý nằm rải rác, xen kẹt, xen kẽ, bất định hình trong dự án bất động sản, nhà ở thương mại và hoán đổi bằng 8% (lúc đầu), sau nâng lên 10%, 12%, 15% đất ở, đất kinh doanh của dự án đã có hạ tầng để nhà nước sử dụng hoặc bán đấu giá.
Cách làm này dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng đã bị "tuýt còi", không được thực hiện kể từ năm 2008.
Đến tháng 9-2023, UBND TP HCM có Quyết định số 37/2023 ban hành quy định rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước trực tiếp quản lý; việc lấy ý kiến người sử dụng đất liền kề và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện các tiêu chí xác định thửa đất nhỏ hẹp, điều kiện, căn cứ giao, thuê đất tại Quyết định 37/2023 không còn phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 102/2024. Vì vậy, sở đang lấy ý kiến dự thảo "Quyết định quy định về rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý và việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt tại TP HCM".
Theo đó, việc rà soát, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý sẽ được thực hiện vào quý II hằng năm. UBND cấp xã niêm yết công khai danh mục; thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất liền kề biết để có ý kiến về phương án đề xuất sử dụng thửa đất nhỏ hẹp vào mục đích công cộng, giao hoặc cho thuê đất cho người sử dụng liền kề.
Sau đó, UBND cấp huyện phê duyệt danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý. Địa phương sẽ báo cáo Sở TN-MT trình UBND TP phê duyệt theo quy định…
Theo Sở TN-MT, việc sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 37/2023 để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kịp thời triển khai, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất liền kề.
Quy định này một mặt tạo điều kiện để hợp các thửa đất nhỏ thành thửa đất lớn hơn, góp phần từng bước cải thiện bộ mặt cảnh quan đô thị. Mặt khác, giúp tránh lãng phí tài nguyên đất đai do đưa được các thửa đất nhỏ hẹp trong đô thị vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Các chuyên gia đánh giá sớm giải quyết đất công xen kẹt sẽ giúp giải quyết vướng mắc cho hàng loạt dự án bất động sản. Đồng thời góp phần tăng thu ngân sách và chỉnh trang đô thị.
Sớm phân loại và xử lý
Tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP HCM khóa X diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết thành phố hiện quản lý khoảng 13.000 địa chỉ nhà đất công gồm hơn 2.000 địa chỉ do Trung ương quản lý và gần 11.000 địa chỉ thuộc TP HCM. Trong đó, khoảng 1.000 địa chỉ nhà đất công kém hiệu quả, thu hút sự quan tâm của dư luận như khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, công trình One Central đối diện chợ Bến Thành ở quận 1…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết Ban Chỉ đạo của Trung ương đã chọn TP HCM là địa bàn điểm nên thành phố sẽ khẩn trương rà soát địa chỉ nhà, đất công. Đối với 1.000 địa chỉ nhà đất sử dụng kém hiệu quả, ông Phan Văn Mãi nói thành phố tiến hành phân loại và xử lý. Một số tài sản sẽ được đấu giá để thu ngân sách; một số sẽ có đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới.
Bài và ảnh: QUỐC ANH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/giai-phong-nguon-luc-lon-196241216220642216.htm