Giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo

Giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo
một ngày trướcBài gốc
Bộ đội đặc công hải quân Đoàn 126 giải phóng đảo An Bang
Đất nước ta chủ quyền hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, quản lý liên tục 2 quần đảo tiền tiêu Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, từ nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa”, từ 6 - 8 tháng mỗi năm đưa người ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm hàng hóa trôi dạt, đánh bắt hải sản quý hiếm; đo vẽ sơ đồ, hải trình, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo. Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tổ chức thêm “Đội Bắc Hải”, lấy người thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận tuần tra, bảo vệ ngư dân, thực hiện chủ quyền trên quần đảo.
Nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, các bản đồ được lưu giữ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, tự Công Đạo sưu tập, biên soạn và hoàn thành năm 1686; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục tiền biên (1844 - 1848); Đại Nam thực lục chính biên (1844 - 1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Đại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910); Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng - 1838); An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838); Hải ngoại kỷ sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán... Đặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, tại Bỉ, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Ngoài ra, các Châu bản nhà Nguyễn 1802 - 1945 (văn bản hành chính chính thức của triều đình, có dấu son của vua, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới), khẳng định Nhà nước quân chủ Việt Nam xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, hàng năm, các “Đội Bắc Hải” kiêm quản đội Hoàng Sa ra 2 quần đảo khai thác sản vật trên biển và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm; đo đạc, vẽ bản đồ, dựng bia, lập miếu, trồng cây, cứu trợ tàu thuyền nước ngoài gặp nạn... Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1925 - 1927, Pháp tổ chức điều tra về khí hậu, thổ nhưỡng, nghiên cứu mỏ và duy trì tuần tra trên quần đảo Hoàng Sa. Liên tục từ năm 1930 - 1933, Pháp đưa quân đội ra đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Để tiện quản lý, năm 1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, năm 1938 thành lập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Cũng thời gian này làm cột mốc, xây hải đăng và các trạm khí tượng, vô tuyến điện trên 2 quần đảo.
Ngày 25/3/1975, cùng với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam, triển khai kiến nghị “vừa chuẩn bị trận quyết chiến cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”, đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân được Quân ủy Trung ương điều động về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu để theo dõi tình hình địch trên biển và đề xuất của hải quân, đồng thời, Bộ Tổng tham mưu đưa Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng xúc tiến công tác chuẩn bị giải phóng khu vực biển và các đảo phía nam của Tổ quốc.
Ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương điện các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, nêu rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh B1 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Về việc này, anh Nguyễn Bá Phát, phái viên của Bộ Tổng Tham mưu và nhiều cán bộ Hải quân đi cùng sẽ do Khu ủy và Quân khu ủy chỉ đạo để thực hiện kế hoạch”. Từ đầu tháng 4/1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân cấp tốc sử dụng Đoàn 125 vừa vận chuyển lực lượng, vũ khí đạn dược cho Nam B, vừa chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh chiếm các đảo khi thời cơ đến.Thực hiện nhiệm vụ, Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai ngay kế hoạch tác chiến, quyết không để cho lực lượng khác đến trước quân ta, như chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh dự trù.
Tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, gồm: Đội 1, Đoàn 126 đặc công, một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng - Đoàn trưởng Đoàn 126. Theo phương án tác chiến, mục tiêu là các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn,Trường Sa; phương châm tác chiến là bí mật, bất ngờ tiến công. Thời cơ đánh chiếm các đảo từ 0 - 2 giờ sáng, là lúc ta lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.
Ngày 9/4/1975, Quân ủy Trung ương điện “tối khẩn” cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Quân khu 5), Hoàng Hữu Thái (Phó Tư lệnh Hải quân). “Chỉ thị cho các lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý định xâm chiếm”. Ngày 10/4, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp điện tiếp cho Quân khu 5, chỉ thị: “Thời cơ đánh các đảo thuộc khu vực Trường Sa lúc này là rất thuận lợi. Chỉ đánh các đảo quân ngụy miền Nam chiếm đóng. Các anh ra lệnh đánh chiếm ngay. Theo dõi đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên báo cáo về Bộ Chỉ huy”.
4 giờ 30 phút, ngày 14/4/1975, quân ta nổ súng giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau một giờ chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, cờ Tổ quốc treo lên cột cờ ở phía đông đảo. Ta diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu 2 đại liên, 1 ĐKZ, 2 cối 60, 2 trung liên và một số súng bộ binh các loại... Tiếp đó, quân ta giải phóng các đảo Sơn Ca (ngày 25/4), đảo Nam Yết, Sinh Tồn (ngày 27/4), An Bang (ngày 28/4)... Khoảng 16 giờ, ngày 28/4/1975, ta giải phóng đảo Trường Sa, là đảo xa nhất, lớn, nằm ở phía Nam của quần đảo, và đến 9 giờ 30 phút làm chủ đảo. Tiếp đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp du kích và Nhân dân tiến công giải phóng Cù lao Xanh (ngày 1/4), Cù lao Chàm, Cù lao Ré (ngày 30/4). Từ ngày 10/4/1975, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và một tiểu đoàn Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 giải phóng đảo Hòn Tre. Đồng thời, Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp các lực lượng khác tiến đánh Cù lao Thu và một số đảo lớn thuộc địa bàn cực Nam Trung Bộ (ngày 27/4) và 18 giờ ngày 1/5, ta hoàn toàn làm chủ Côn Đảo.
Quân ta kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
NGUYỄN RẠNG (Tổng hợp)
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/giai-phong-quan-dao-truong-sa-va-cac-dao-a418684.html