Giải phóng Trường Sa trong mùa Xuân đại thắng - Bài 2: Căng buồm, đè sóng lớn

Giải phóng Trường Sa trong mùa Xuân đại thắng - Bài 2: Căng buồm, đè sóng lớn
9 giờ trướcBài gốc
Chúng tôi gặp cựu chiến binh (CCB) Trần Đăng Ninh, nguyên chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) khi ông vừa cùng đồng đội năm xưa thực hiện chuyến hành quân về nguồn, thăm lại đồng đội từ Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc đến Côn Đảo nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Trường Sa. Đã bước sang tuổi “thất thập” nhưng qua lời kể hào sảng cùng trí nhớ mẫn tiệp, chúng tôi đã hình dung phần nào hình ảnh chiến sĩ trẻ Trần Đăng Ninh của tuổi 20.
CCB Trần Đăng Ninh chia sẻ: “Đối với tôi, đó là một ký ức hào hùng và đáng tự hào nhất trong cuộc đời. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của mình và những đồng đội tham gia giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa thực sự ý nghĩa. Những anh em tham gia giải phóng Trường Sa năm xưa đã nói với nhau rằng: Chúng ta đã dựng cột buồm, đè sóng lớn đi đánh giặc”.
Bộ đội Đặc công Hải quân 126 tấn công giải phóng đảo Sơn Ca. Ảnh tư liệu
Ngày đó, tàu của Quân chủng Hải quân đã giả dạng là tàu đánh cá để tránh địch phát hiện. Theo CCB Trần Đăng Ninh, các tàu phải treo lưới từ cột tàu thả xuống sân boong để tránh sự nghi ngờ của địch. Mỗi ca gác trực cảnh giới chỉ có 2 đồng chí mặc quần áo như ngư dân được ở trên boong. Các chiến sĩ còn lại phải ở dưới khoang tàu nên phải chịu cái nóng, mệt và say sóng.
Trong lần trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, người từng có mặt ở “Tổng hành dinh” trong suốt những năm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho biết: Sau khi bàn bạc thống nhất với các Ủy viên Quân ủy Trung ương, 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức “mật điện” số 990B/TK, nội dung bức điện được khái quát: Gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Mật điện được truyền hỏa tốc đến đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, đồng chí Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Ngay sau khi nhận điện, đồng chí Nguyễn Bá Phát nhanh chóng trao đổi với các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa. Bộ tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng tàu của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) chở lực lượng ra giải phóng các đảo. Chủ trương là giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đến là các đảo khác, không cho địch kịp tăng viện đối phó.
Từ câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, tìm hiểu các tư liệu lịch sử, chúng tôi được biết, ngày 9-4, trong lúc cánh quân trên bộ của ta bắt đầu tiến công Xuân Lộc và một cánh quân khác đang chặt đứt tuyến phòng thủ Tân An vòng ngoài của Sài Gòn thì Thường vụ Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Hải quân đưa ngay tàu ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Chấp hành chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ thị cho phân đội tàu của Đoàn 125 gồm tàu 673 do đồng chí Nguyễn Xuân Thơm làm Thuyền trưởng; tàu 674 do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm Thuyền trưởng và tàu 675 do đồng chí Phạm Duy Tam làm Thuyền trưởng; các tàu do đồng chí Dương Sĩ Kịch, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Đoàn 125 chỉ huy cấp tốc hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Lúc này, đồng chí Trần Phong, Quyền Tham mưu trưởng Đoàn 125, thay mặt chỉ huy Đoàn tham mưu giúp đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng đại diện Hải quân tại Sở chỉ huy mặt trận ở Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo thực hiện kế hoạch giải phóng các đảo.
20 giờ 30 phút ngày 10-4, phân đội tàu cập cảng Đà Nẵng và ngay sau đó được lệnh gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị trước 0 giờ ngày 11-4 để xuất phát giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 Hải quân (sau này là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Tư lệnh Binh chủng Đặc công) làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Dương Tấn Kịch, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Đoàn 125 Hải quân làm Chỉ huy phó và đồng chí Trần Xuân Toản, cán bộ chính trị Trung đoàn 126 Hải quân phụ trách về công tác chính trị của Đoàn.
4 giờ ngày 11-4, toàn bộ lực lượng Đoàn C75 gồm 3 tàu: 673, 674, 675 của Đoàn 125 Hải quân chở Đội 1 của Trung đoàn 126 Hải quân và 1 phân đội hỏa lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng đảo Song Tử Tây ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa.
Tàu của Lữ đoàn 125 Hải quân chở bộ đội ra giải phóng Trường Sa. Ảnh tư liệu
CCB Nguyễn Sỹ Niệm, nguyên chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân tham gia “chuyến công tác đặc biệt” trên tàu 673 của Đoàn C57 bồi hồi nhớ lại: “Trong màn đêm mịt mùng, trên quân cảng Đà Nẵng, đoàn quân nhịp nhàng, lặng lẽ lên tàu xuất phát ra biển đi về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Đoàn tàu đi ra biển đúng mùa sóng to, gió lớn. Quân ta phải ẩn nấp, giả dạng ngư dân không được lên boong. Dưới khoang nhiều ngày, tiếng ồn động cơ, mùi dầu mỡ, hơi nóng phả ra, sóng đánh vào tàu chồm lên lại chúi xuống khiến mọi người đều say sóng, mệt nhoài. Trong khi đó, máy bay địch trinh sát lượn vòng phía trên tàu. Nhờ khéo ngụy trang nên các tàu đều tránh được sự bắn phá của địch.
Sau gần 3 ngày vật lộn với sóng gió, với sự bủa vây của địch trên vùng trời, vùng biển, đoàn tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. Đồng chí Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng vào gần đảo để trinh sát, sau đó các tàu của ta di chuyển ra xa đảo để làm công tác chuẩn bị thực hiện phương án chiến đấu. Tàu 673 chở Phân đội 1 vào gần đảo để đổ bộ trước. Hai tàu 674 và 675 sẵn sàng yểm hộ khi cần thiết.
CCB Nguyễn Duy Thông, nguyên là chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân là người được phân công chỉ huy mũi 2, kể lại: "Lúc đó, Phân đội 1 của chúng tôi chia làm 3 mũi: Mũi 1 do đồng chí Nguyễn Trọng Bình chỉ huy, mũi 2 do tôi chỉ huy và mũi 3 do đồng chí Nguyễn Sỹ Niệm chỉ huy xuống xuồng cơ động vào đảo. Giữa biển khơi không một vật cản che chắn nên việc cơ động tàu tiếp cận đảo là bài toán không hề dễ dàng. Anh em trong phân đội khi đó bàn bạc rất kỹ lưỡng các phương án tiếp cận. Thực tế là khi tiếp cận gần, bọn địch trên đảo bắn pháo tín hiệu xua đuổi, tàu ta phải lui ra xa thả trôi. Đợi đến đêm tối mới cơ động, tiếp cận mục tiêu. Biển khơi mênh mông phủ một màu đen đặc. Với kinh nghiệm đi biển, cán bộ đã khéo léo điều khiển tàu cơ động vào vị trí có lợi nhất để có thể đổ bộ lên đảo".
Nhóm phóng viên
(còn nữa)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/giai-phong-truong-sa-trong-mua-xuan-dai-thang-bai-2-cang-buom-de-song-lon-825870