Giải quyết 5 phương thức giao thông để phát triển bền vững

Giải quyết 5 phương thức giao thông để phát triển bền vững
10 giờ trướcBài gốc
Về đường bộ, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc từ giai đoạn 2021 - 2030 đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực ĐBSCL có 1.256km và quy mô từ 4 - 10 làn xe, bao gồm 3 tuyến trục dọc và 3 tuyến trục ngang. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tại khu vực triển khai 10 dự án thành phần (DATP) với tổng chiều dài là 532km.
Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm nay.
Đến năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 206km, bao gồm 2 tuyến chính đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (dài khoảng 110km) và dự án thành phần 1 đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Đến năm 2027, dự kiến sẽ hoàn thành thêm khoảng 226km, nâng tổng số km cao tốc trong khu vực lên khoảng 553km.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, tiến độ các dự án đường bộ trọng điểm triển khai tại ĐBSCL đang được đẩy nhanh. Trong đó, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, đường cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, dự án cầu Rạch Miễu 2, sẽ hoàn thành năm 2025. Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km đang rút ngắn tiến độ, hoàn thành trong tháng 7/2026…
Về hàng không, khu vực ĐBSCL có 4 cảng hàng không (CHK) gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc. Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, CHK Quốc tế Cần Thơ đến năm 2030 có công suất là 7 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 là 12 triệu hành khách/năm.
CHK Quốc tế Phú Quốc 10 triệu hành khách/năm (năm 2030) và 18 triệu hành khách/năm (năm 2050). Về đường sắt, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 175km. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung vào quy hoạch đoạn tuyến kết nối Cần Thơ - Cà Mau.
Về hàng hải, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, khu vực ĐBSCL gồm 12 cảng biển. Trong đó, cảng biển Sóc Trăng tiềm năng phát triển khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Đáng chú ý trong đó là dự án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, hiện Bộ Xây dựng đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai đầu tư hợp phần nạo vét luồng và hệ thống đê chắn sóng cảng Trần Đề, tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Hợp phần khu bến cảng Trần Đề đang được UBND tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đề nghị với Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đây, xem xét trình Chính phủ hỗ trợ 19.000 tỷ đồng vốn của Nhà nước để đầu tư làm cầu dẫn, nạo vét luồng và hạ tầng cơ bản khác nhưng đến nay địa phương chưa nhận được ý kiến của các bộ.
Vừa qua, trong cuộc họp về các dự án giao thông trọng điểm phía Nam tổ chức tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng giải quyết được 5 phương thức giao thông (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt) thì ĐBSCL thoát nghèo, do đó phải quyết tâm làm. Riêng về đường bộ, Thủ tướng chỉ đạo, hết nhiệm kỳ này, ĐBSCL có 600 km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300km cao tốc, cao hơn dự kiến trước đây gần 100km.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phát triển đồng bộ các phương thức giao thông tại ĐBSCL với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ”; “cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng thắng, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi có thành quả”. Trong quá trình đó, phải bảo đảm “3 có, 2 không”: Có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp; không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Văn Vĩnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/giai-quyet-5-phuong-thuc-giao-thong-de-phat-trien-ben-vung-i769233/