Giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Giải quyết các vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: ST
Nhằm phục vụ đánh giá kết quả triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, xác định giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo”.
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Sau 4 năm triển khai Dự án tại 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án được cấp ngân sách từ Trung ương, các nội dung cụ thể đã được tập trung đẩy mạnh như: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội (KTXH); nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS và nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Tính đến hết tháng 10/2024, có 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu… Kết quả đạt được này góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục và thúc đẩy thực hiện để đạt mục tiêu. Cụ thể, những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và yêu cầu về chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ DTTS. Thêm vào đó, thiên tai/biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của đồng bào DTTS và miền núi nói chung, trong đó những người yếu thế, bất lợi nhất là phụ nữ và trẻ em…
Hội thảo nhận được trên 30 tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Hội LHPN các tỉnh. Đây là nguồn tư liệu quý để Trung ương Hội LHPN tham khảo đề xuất các mô hình, hoạt động cụ thể, đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Định hướng về các nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Các hoạt động của Hội phải luôn hướng đến mục tiêu vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em. Chúng ta phải đưa ra được nội dung, hoạt động sát với địa phương, có như vậy mới giải quyết được các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em từng khu vực, địa bàn vùng DTTS và miền núi, hướng đến sự phát triển bền vững./.
THANH TRANG
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/giai-quyet-cac-van-de-cap-thiet-voi-phu-nu-tre-em-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-36343.html