Giải quyết điểm nghẽn về thể chế giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao

Giải quyết điểm nghẽn về thể chế giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao
4 giờ trướcBài gốc
Việt Nam còn nhiều dư địa đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025. Ảnh tư liệu
PV: Ông nhìn nhận thế nào về những thuận lợi và thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2025, khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng trưởng GDP ở mức cao 8% hoặc hơn, từ năm 2026 tăng trưởng 2 con số?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Thuận lợi lớn đối với tăng trưởng của Việt Nam 2025 là sự tự tin và hứng khởi sau phục hồi tăng trưởng thành công và khá ấn tượng năm 2024 (thế giới cũng đã hạ cánh mềm).
Đặc biệt là ý chí quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan ban ngành từ trung ương xuống địa phương, trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, xác định điểm nghẽn, giải pháp cụ thể, chỉ bàn làm không bàn lùi. Chưa bao giờ có không gian thuận lợi cho cải cách như thời điểm hiện nay.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh và tự do thị trường đạt nhiều tiến bộ: thúc đẩy động lực đầu tư (cả FDI lẫn đầu tư tư nhân), tiếp cận các nguồn lực khá công bằng và bình đẳng, sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nhân vào phát trỉen hài hòa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường.
Việt Nam ở vị thế địa chính trị lẫn quan hệ quốc tế khá an toàn và thuận lợi. Bên cạnh đó, quốc gia cũng có nền tảng tốt hơn cả về 3 đột phá chiến lược: thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2025 này. Chính sách mới nhất là bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này dự báo sẽ dẫn đến sự phân mảnh sâu sắc hơn của kinh tế toàn cầu và suy yếu động lực tăng trưởng mới toàn cầu. Đồng thời, việc các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị, áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau cũng gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Việt Nam có độ mở kinh tế cao nên rất dễ bị tổn thương.
Trong nước, khoảng cách và phân hóa xã hội tác động sâu sắc đến xu thế phát triển và động lực tăng trưởng.
PV: Vậy theo ông, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong năm 2205, cần chú trọng những giải pháp nào?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Có nhiều giải pháp cụ thể đã được đề ra để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều sau: Các chính sách vĩ mô cần được ban hành một cách cẩn trọng, đánh giá kỹ tác động đa chiều và có lộ trình triển khai cụ thể.
Thể chế và quản lý nhà nước cần tăng tính hiệu lực, hiệu quả do vậy cần hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu.
Đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, cũng như những rào cản trong môi trường kinh doanh, đảm bảo mọi chủ thể kinh tế đều thực sự được hoạt động bình đẳng, tự do kinh doanh theo cơ chế thị trường đầy đủ.
PV: Giải pháp mang tính dài hơi chính là thực hiện 3 đột phá: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, đột phá “thể chế” là đột phá của đột phá. Ông kỳ vọng gì vào việc thực thi những đột phá chiến lược này?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Rõ ràng là thực hiện các cải cách đột phá về thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tạo niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp trụ lại và phục hồi. Đây cũng là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng trở lại trong giai đoạn cực kỳ khó khăn vừa qua.
Theo đó, cần đánh giá lại 10 năm thực hiện đột phá chiến lược nói chung, đột phá về thể chế nói riêng nhằm có một baseline mới cho công cuộc cải cách thể chế tiếp theo: tinh giản các chính sách, văn bản, quy định pháp luật - giấy phép điều kiện kinh doanh cụ thể thế nào (không nên áp dụng kiểu tin giản đồng phục, cơ học).
Việc đảm bảo quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh, quyền tiếp cận tài sản, xây dựng đầy đủ luật chơi của nền kinh tế thị trường làm kim chỉ nam cho đột phá thể chế. Bên cạnh đó chú trọng điểm nghẽn về chất lượng tư pháp, xử lý tranh chấp vi phạm hợp đồng, phá sản, giải thể doanh nghiệp và hộ kinh doanh, điểm nghẽn về cải cách thể chế - chính sách khơi thông các nguồn lực cho nền kinh tế nói chung cho doanh nghiệp: vốn, ứng dụng khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, xử lý vấn đề môi trường.
Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, đặc biệt là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất và hiệu quả qua đó xây dựng thành công, chính phủ điện tử gắn với xã hội số.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra điểm nghẽn về thể chế và thể hiện quyết tâm cải cách, tinh gọn bộ máy, đưa đất nước đứng trước cơ hội thay đổi mạnh mẽ. Nếu làm tốt, có lộ trình phù hợp, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao cho giai đoạn 5 năm hay 10 năm sau nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thảo Miên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-quyet-diem-nghen-ve-the-che-giup-viet-nam-dat-muc-tang-truong-cao-169934-169934.html