Đại diện sở, ngành tiếp thu trả lời kiến nghị cử tri nghiêm túc
• HỖ TRỢ SINH KẾ BỀN VỮNG
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về hỗ trợ đất sản xuất cho bà con người dân tộc thiểu số (DTTS) tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các đại biểu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân; đại biểu K'Tiếu (dân tộc K'Ho) và Ya Kéo (dân tộc Churu) kiến nghị hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất canh tác. Tuy nhiên, các huyện Di Linh và Đức Trọng hiện không có quỹ đất để cấp thêm. Để đảm bảo an sinh xã hội, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền cho các hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS tăng gia sản xuất, tăng nguồn thu nhập trên đơn vị diện tích, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trừ trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi địa bàn sinh sống, phân chia tài sản... và việc chuyển nhượng không gây khó khăn về đất sản xuất và đời sống). UBND huyện Đức Trọng đã hỗ trợ cho đồng bào DTTS khó khăn bằng các chương trình khác như: giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân...
Việc kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép là vấn đề chính đáng được cử tri quan tâm nêu ý kiến. Đại biểu Lơ Mu Ha Dzô (dân tộc K'Ho, Thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) kiến nghị “có biện pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép khu vực Núi Cao, xã Đạ Sar. Huyện Lạc Dương đã triển khai nhiều đợt truy quét, giải tỏa các hoạt động đào đãi không phép, tiêu hủy toàn bộ trang thiết bị. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Đại biểu Cil Kuyên (Tổ dân phố B'Nơr B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) kiến nghị “những người thuê đất tại khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực ấp Lát, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương thanh toán tiền thuê đất cho Nhân dân trên địa bàn từ năm 2020 đến nay; đồng thời thanh lý hợp đồng thuê đất với Nhân dân vào năm 2025 đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng tự làm nhà lồng, nhà kính trên phần đất mà những người thuê đất tại khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại ấp Lát, xã Đạ Sar đã thuê của Nhân dân nhưng hiện nay lại cho bên thứ 3 thuê lại”. Ngày 18/6/2024, tại báo cáo số 1707-CV/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh đã ban hành các văn bản số: 3105/UBND-NN ngày 22/4/2024 về chấm dứt một phần hoạt động Dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Cổ phần Thương mại - Phát triển dự án Mai Trang; số 3053/UBND-NN ngày 19/4/2024 về việc chấm dứt một phần hoạt động Dự án Trồng rau, củ, quả công nghệ cao của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào; số 3054/UBND-NN ngày 19/4/2024 về chấm dứt hoạt động một phần Dự án Trang trại hoa Đa Sar của Công ty TNHH Báo Đáp.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương khẩn trương thực hiện các nội dung để chấm dứt hợp đồng với các công ty thuê đất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao ấp Lát; đến nay, UBND huyện đã cơ bản hoàn thiện xong phương án trả lại đất, dự thảo biên bản chấm dứt hợp đồng, đã đo đạc xác định lại diện tích đất của các hộ dân; dự kiến huyện Lạc Dương sẽ hoàn tất thủ tục để chấm dứt hợp đồng thuê đất với các doanh nghiệp trong tháng 6/2024.
Đại biểu Cil Ha Sung (dân tộc M’Nông) đề nghị hỗ trợ trồng cây ăn quả trên đất lâm nghiệp. Huyện Đam Rông đã triển khai Đề án 1836, hỗ trợ trồng xen các loại cây đa mục đích như: sầu riêng, bơ, nhằm bảo vệ rừng và phát triển kinh tế nông lâm kết hợp. Đến nay, đã trồng xen 114,55 ha cây đa mục đích, và tiếp tục mở rộng mô hình này.
• QUAN TÂM BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Liên quan lĩnh vực văn hóa, đại biểu Ya Kéo (dân tộc Churu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đà Loan, huyện Đức Trọng) đã đưa ra kiến nghị quan trọng về việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của dân tộc Churu, đang đối mặt với nguy cơ mai một. Ngày 07/5/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phản hồi tại Công văn số 816/SVHTTDL-QLVH với những nỗ lực và giải pháp cụ thể. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây được xem là một mục tiêu chiến lược, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sở đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo tồn văn hóa cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Churu.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu, từ việc sưu tầm, bảo quản, phục dựng các lễ hội truyền thống, đến việc tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ. Các lễ hội được tổ chức với nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp, phù hợp với xu hướng phát triển xã hội hiện đại. Năm 2023, 19 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã được tổ chức. Xuất bản tuyển tập “Truyện kể K’Ho” và tiếp tục mở các lớp truyền dạy nhạc cụ, cồng chiêng, nghề thủ công truyền thống cho đồng bào các dân tộc. Các mô hình văn hóa gắn với du lịch, như khu bảo tồn làng truyền thống dân tộc Churu tại xã Pró, huyện Đơn Dương, cũng đang được xây dựng và phát triển.
• CỦNG CỐ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong các kỳ họp tiếp xúc cử tri, các đại biểu không chỉ lắng nghe mà còn thảo luận, phân tích, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để các vấn đề được nêu ra. Điều này không chỉ tạo sự hài lòng, mà còn củng cố niềm tin của cử tri đối với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Triều cho biết: Với nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm tổ chức các hoạt động gặp mặt, làm việc với đại biểu đại diện các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tổng hợp báo cáo, kiến nghị cấp ủy, chính quyền các đơn vị liên quan trả lời, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp chính đáng. Đây là hoạt động mang tính định kỳ, thường xuyên của MTTQ Việt Nam các cấp từ tỉnh đến cơ sở và đã trở thành một trong những “cầu nối” tin cây giữa ý Đảng - lòng dân trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
NGUYỆT THU