Giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án tồn đọng

Giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án tồn đọng
2 ngày trướcBài gốc
Sáng 30-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để nghe báo cáo, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ.
Năm 2025, hoàn thành 2 bệnh viện
Theo báo cáo của Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đến ngày 25-3, các cơ quan, địa phương báo cáo tổng cộng 1.533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ Tài chính cũng nhận được văn bản phản ánh của các doanh nghiệp về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại các dự án thành 17 nhóm vướng mắc về xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án... Bên cạnh đó, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án ngày 30-3. Ảnh: TTXVN
Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 170/2024 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết 171/2024 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 233/2024 về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện tái tạo.
Dự kiến, các cơ quan sẽ trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ cho 5 dự án tại TP HCM ngay đầu tháng 4-2025. Riêng với dự án Bệnh viện Bạch Mai và dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội), Chính phủ đã có Nghị quyết 34/2025 về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí thêm ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2024 để hoàn thành 2 dự án trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc tại các dự án tồn đọng, kéo dài; không để lãng phí nguồn lực của nhà nước, xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Qua đó, giải phóng, huy động, khai thác được nguồn lực rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số những năm tiếp theo; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; giải tỏa được bức xúc của nhân dân, của cán bộ...
Không để sai chồng sai
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của 1.533 dự án, bao gồm vướng mắc về thủ tục; cố gắng hoàn thành trước ngày 30-5. "Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể tới đâu thì xử lý tới đó; "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo" - Thủ tướng lưu ý.
Với các dự án vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là cấp cơ sở, giải quyết dứt điểm, căn cứ luật pháp, điều kiện cụ thể, khả năng thực tế để quyết định hỗ trợ phù hợp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm, chây ì, chống đối...
Với nhóm dự án có vướng mắc về quy hoạch, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các quy hoạch, nhất là quy hoạch chuyên ngành, làm căn cứ triển khai các dự án bảo đảm phù hợp, đồng bộ với hệ thống quy hoạch chung.
Với những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 170/2024 và Nghị quyết 171/2024, áp dụng với dự án có tính chất tương tự.
Riêng với các dự án có sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng đã được triển khai thực hiện cơ bản, khó thu hồi, Thủ tướng yêu cầu đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục khó khăn, vướng mắc và hậu quả (nếu có). Thủ tướng lưu ý không được che giấu, không bỏ sót, không để lọt sai phạm, không để thất thoát tài sản nhà nước, song phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
"Nguyên tắc là các vấn đề kinh tế phải được xử lý bằng vấn đề kinh tế, việc xử lý bằng biện pháp hình sự chỉ là giải pháp cuối cùng; cách xử lý phải hiệu quả, nhân văn, phù hợp, lấy biện pháp kinh tế là cơ bản" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Còn với các dự án khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và cũng không áp dụng được cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành, Thủ tướng nêu rõ phải nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Chủ động, tích cực, khách quan
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực, khách quan tháo gỡ theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền; nỗ lực xử lý dứt điểm trong năm 2025 đối với hơn 1.500 dự án này.
Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý những nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng ban hành công điện chỉ đạo, định hướng, đôn đốc các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại các dự án tồn đọng, vướng mắc để báo cáo và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp; nếu không báo cáo đúng hạn thì phải chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng vào cuộc.
LÊ THÚY
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/giai-quyet-dut-diem-vuong-mac-cua-cac-du-an-ton-dong-196250330221827792.htm