Giải quyết khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở

Giải quyết khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở
3 giờ trướcBài gốc
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024, các cơ quan hành chính đã tiếp 363.245 lượt người về 290.497 vụ việc, có 3.687 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 453 lượt người về 392 vụ việc; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 07 lượt người.
Trong tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã xử lý 471.229/480.233 đơn tiếp nhận, đạt 98,1%; có 384.135 đơn đủ điều kiện xử lý. Tòa án nhân dân các cấp xử lý 165/165 đơn, có 77 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã xử lý 105/117 đơn, có 06 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Kiểm toán Nhà nước đã xử lý 90/90 đơn, không có vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.147 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 81,4%. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 73/77 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 06/06 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kết quả, đã kiểm tra, rà soát 806/1.003 vụ việc (80,4%), còn 197 vụ việc (19,6%) các địa phương chưa có kết quả kiểm tra, rà soát. Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.
Các cơ quan hành chính đã xem xét, giải quyết 448/637 vụ việc (70,3%) khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến. Đồng thời, đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước về trách nhiệm công vụ, tiến hành 1.228 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị xử lý đối với 169 tổ chức, 696 cá nhân có vi phạm.
Không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong năm 2025, các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cơ sở; tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tiếp tục được các cơ quan quan tâm tăng cường và xác định là công tác trọng tâm, thường xuyên, có nhiều giải pháp cụ thể để phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những kết quả đạt được trong việc thực hiện các yêu cầu, quy định có liên quan của Trung ương và luật, nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện hằng tháng; đánh giá cụ thể mối quan hệ, sự tác động tích cực của việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đến kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024 để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự báo năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và cơ sở sản xuất phát sinh nhiều khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống; khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự, việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật...
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/giai-quyet-khieu-nai-to-cao-moi-phat-sinh-ngay-tu-co-so.html