Cơ chế linh hoạt
Luật QHĐT&NT chính thức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Luật gồm 5 Chương và 59 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Luật đã hệ thống hóa, quy định rõ hệ thống QHĐT&NT về loại, cấp độ quy hoạch (gồm 5 loại và 3 cấp độ quy hoạch và các trường hợp phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết); giản lược tối đa các trường hợp lập quy hoạch và cấp độ quy hoạch phải lập; không lập quy hoạch chung đối với các đô thị loại I và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại I thuộc TP trực thuộc T.Ư (các đô thị có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ).
Bên cạnh đó, Luật bổ sung yêu cầu, nguyên tắc về tính thống nhất, phù hợp giữa các loại, cấp độ quy hoạch, trong hoạt động QHĐT&NT: bổ sung quy định về việc lập đồng thời các quy hoạch chung; bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các QHĐT&NT khi xem xét sự phù hợp của dự án với QHĐT&NT…
Người dân xem sa bàn quy hoạch chung khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Luật cũng đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi, đồng thời vẫn bảo đảm đầy đủ yêu cầu về thực hiện dân chủ ở cơ sở: không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch; quy định rõ thời gian tối thiểu và thời gian tối đa lấy ý kiến cộng đồng; trách nhiệm tiếp thu, giải trình, công bố công khai, minh bạch; không yêu cầu phải thông qua HĐND các cấp đối với quy hoạch chung TP, thị xã, khu kinh tế, khu du lịch quốc gia trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Luật tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh QHĐT&NT; việc phân cấp bảo đảm kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật: phân cấp trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cho UBND cấp tỉnh; quy hoạch khu chức năng cho UBND các cấp, Đại học quốc gia, Ban Quản lý khu công nghiệp…; phân cấp việc lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý về quy hoạch trước khi phê duyệt và điều chỉnh tính chất của việc lấy ý kiến (không lấy ý kiến thống nhất); phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch; phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ...
Khẳng định rõ sự cần thiết của việc ban hành Luật QHĐT&NT, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Luật QHĐT&NT giúp đồng bộ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; cụ thể hóa nhiệm vụ đã được xác định, trong đó nhấn mạnh vai trò của quy hoạch ở các vấn đề về tốc độ đô thị hóa; chất lượng đổi mới, hội nhập; đặc thù phát triển của khu vực nông thôn…
Phát triển bền vững, đồng bộ, hiệu quả
Nghị định 178/2025/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật QHĐT&NT vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 1/7/2025 nhằm cụ thể hóa Luật QHĐT&NT (ban hành cuối năm 2024). Nghị định nhằm chuẩn hóa toàn bộ quá trình lập và quản lý QHĐT&NT tại Việt Nam, từ việc xác lập rõ thẩm quyền, trách nhiệm, đến việc tăng cường giám sát, phản biện chuyên môn, và cuối cùng là số hóa dữ liệu quy hoạch, tất cả đều nhằm hướng tới một mục tiêu: phát triển bền vững, đồng bộ và hiệu quả.
Một điểm sáng quan trọng của Nghị định 178/2025/NĐ-CP là việc phân định thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong tổ chức lập quy hoạch. Theo đó, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan thẩm định và cơ quan phê duyệt được quy định cụ thể, bảo đảm minh bạch trong triển khai và chịu trách nhiệm rõ ràng. Thời gian lập quy hoạch được quy định chặt chẽ để tránh tình trạng kéo dài, trì trệ. Ví dụ, đối với quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền Thủ tướng, thời gian lập nhiệm vụ không quá 3 tháng và lập quy hoạch không quá 15 tháng. Các mốc thời gian tương ứng cũng được áp dụng cho cấp tỉnh, huyện, xã và khu chức năng chuyên biệt như khu kinh tế, khu du lịch quốc gia. Điều kiện tham gia hoạt động quy hoạch cũng được siết chặt. Các cá nhân phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn và được phân hạng theo năng lực. Các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực xây dựng phù hợp và thực hiện đúng quy định đấu thầu, cấp phép hoạt động theo pháp luật hiện hành.
Một vấn đề thường gặp trong công tác quy hoạch là mâu thuẫn giữa các cấp độ và loại hình quy hoạch, đặc biệt tại những địa phương có tốc độ phát triển nhanh. Nghị định 178/2025/NĐ-CP đã đưa ra cơ chế xử lý tình huống cụ thể, giúp tháo gỡ điểm nghẽn và tăng tính linh hoạt trong quá trình triển khai. Trường hợp hai quy hoạch cùng cấp nhưng mâu thuẫn, cơ quan lập quy hoạch hoặc chủ đầu tư có thể báo cáo cấp phê duyệt, kèm theo đánh giá cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn để đề xuất phương án ưu tiên triển khai. Cấp phê duyệt sẽ căn cứ vào ý kiến của cơ quan thẩm định để ra quyết định bằng văn bản - bảo đảm hợp lý, khách quan. Đối với các quy hoạch cùng cấp nhưng khác cấp phê duyệt, quy trình còn yêu cầu báo cáo qua hai cấp - cấp thấp hơn và cao hơn. Quyết định của cấp phê duyệt cao hơn sẽ là căn cứ pháp lý triển khai các bước tiếp theo. Điều này giúp hệ thống quy hoạch thống nhất từ trên xuống dưới và hạn chế tình trạng chồng chéo, lãng phí tài nguyên đất đai và ngân sách. Ngoài ra, việc cập nhật thông tin điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia là yêu cầu bắt buộc, giúp tăng cường tính minh bạch và phục vụ quản lý hiệu quả.
Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật QHĐT&NT là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, bảo đảm tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Lại Tấn