Giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu phục vụ công trình

Giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu phục vụ công trình
2 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, nguồn đá xây dựng phục vụ thi công các công trình giao thông ở tỉnh phải phụ thuộc vào các nguồn đá tỉnh lân cận do Tây Ninh không còn mỏ khai thác đá xây dựng.
Thiếu hụt vật liệu, khó cho chủ đầu tư và cả nhà thầu !
Theo UBND tỉnh, trong những nguyên nhân hạn chế của công tác đầu tư công năm 2024 có nguyên nhân một số dự án chậm triển khai do vướng mặt bằng xây dựng hoặc các thủ tục về đất đai; nguồn vật liệu sỏi, đá cấp phối… của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án giao thông lớn đang triển khai.
Mặc dù đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc nhưng công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm, chỉ được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 trong quý II/2024. Bên cạnh đó, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu xây dựng, dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ dồn vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo định hướng của tỉnh. Một số dự án chuyển tiếp có số vốn lớn nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện công tác điều chỉnh, phát sinh hạng mục cho phù hợp tình hình triển khai thực tế của dự án.
Có thể nói, vấn đề khan hiếm nguồn vật liệu phục vụ công trình thời gian qua luôn khiến các chủ đầu tư, nhà thầu “đau đầu” tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, phần lớn các mỏ khai thác đất san lấp hiện tại nằm ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành…còn các dự án giao thông lớn, trọng điểm do tỉnh thực hiện thời gian qua tập trung ở thị xã Trảng Bàng, huyện Dương Minh Châu. Chính sự bất cập “dự án một nơi, mỏ khai thác nằm một nẻo” dẫn đến việc các nhà thầu khó khăn tìm kiếm nguồn đất san lấp thi công công trình do chi phí vận chuyển từ mỏ về công trình đội cao.
Do đó nhiều nhà thầu tìm nguồn đất san lấp ở những tỉnh lân cận có giá rẻ hơn để thi công, chính việc thiếu chủ động phải đi tìm nguồn vật liệu dẫn đến tiến độ thi công không đảm bảo theo kế hoạch. Bên cạnh đó, mỏ đá Lộc Trung hết giấy phép nên phần lớn nguồn đá phục vụ công trình, các nhà thầu đều phải mua từ các tỉnh lân cận nên khó chủ động được khối lượng công trình.
Đơn cử như nguồn cát san lấp phục vụ các công trình thời gian qua, theo đại diện nhà thầu thi công khu tái định cư thị trấn Gò Dầu, tính đến thời điểm tháng 11 toàn bộ mặt bằng khu tái định cư bơm cát đạt 80% khối lượng theo thiết kế. Còn 20% khối lượng cát còn lại, nhà thầu đang tập trung tìm kiếm nguồn cát để thi công công trình.
Nhiều tuyến đường nâng cấp mở rộng cần rất lớn khối lượng đất, sỏi san lấp.
Dự án đường N8 (thị xã Trảng Bàng), theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án) về nguồn vật liệu cát san lấp (Tuyến N8) do công trình có đoạn tuyến mở mới từ đầu tuyến đến ngã 3 Cây Khế (Km4+960) dài 4,96 km đi qua đồng ruộng, ngập nước, địa chất yếu, cần phải xử lý nền đất yếu bằng cách đắp cát nền đường kết hợp các phương pháp khác (đóng cừ tràm, gia cố bằng cọc xi măng đất, cắm bấc thấm và đắp đất chờ lún dự kiến chờ lún 18 tháng) nên cần khối lượng cát san lấp (cát long, cát đen) đắp nền rất lớn.
Tuy nhiên, nguồn vật liệu cát san lấp rất khan hiếm, khối lượng cát về công trình không đảm bảo nhu cầu tiến độ. Mặc dù nhà thầu và đơn vị Tư vấn giám sát tích cực tìm thêm các nguồn cung cấp khác nhưng vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu tiến độ.
Có thể thấy, các chủ đầu tư và nhà thầu đều tích cực tìm nguồn vật liệu xây dựng công trình nhưng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan dẫn đến có thời điểm nguồn vật liệu xây dựng công trình khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Đây là những bất cập tồn tại thời gian qua nhưng chưa có bài toán giải quyết hiệu quả.
Cần có các mỏ khai thác vật liệu chuyên phục vụ công trình
Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu đánh giá hiện trạng bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương cho các giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Làm cơ sở quản lý, lập kế hoạch, triển khai công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn một cách hợp lý; bảo đảm quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hiện tại và dự báo các giai đoạn; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Đề án cũng nêu rõ, ưu tiên các khu vực đất do Nhà nước quản lý, khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng (khu vực bán ngập) để chủ động quỹ đất thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; việc thăm dò, khai thác không làm ảnh hưởng đến công năng, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, môi trường và giao thông, quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đa mục tiêu, bảo đảm an ninh, an toàn công trình và nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nguồn cát san lấp mặt bằng thời gian khan hiếm gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án (Trong ảnh: san lấp cát mặt bằng khu tái định cư thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu).
Phân bổ đảm bảo trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ khu vực phía Nam tỉnh, dọc các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và các tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt), không gây tác động đến môi trường, định hướng phát triển đô thị và khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng chất lượng khoáng sản của khu vực đưa vào thăm dò, khai thác. Như vậy, có khả năng trong thời gian tới, một số mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép chuyên cung cấp vật liệu cho dự án cụ thể tạo điều kiện các nhà thầu dự án yên tâm chủ động về nguồn vật liệu phục vụ công trình.
Theo đề án, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: đá xây dựng các loại, cát xây dựng nguồn gốc sông, sông - hồ, đất sét làm gạch ngói, vật liệu san lấp các loại, than bùn và cuội sỏi. Đây những vật liệu xây dựng thông thường mà thời gian qua các chủ đầu tư, nhà thầu phải khó khăn tìm kiếm do khan hiếm bất thường.
Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án ngành giao thông tỉnh, việc đề án được thông qua là một tín hiệu tích cực để các chủ đầu tư, các nhà thầu có thể chủ động nguồn vật liệu thi công phục vụ công trình khi được lựa chọn thầu. Trong thời gian khi các dự án có quy mô lớn được triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu an tâm về nguồn vật liệu phục vụ công trình để các dự án thi công đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Thế Nhân
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/giai-quyet-tinh-trang-khan-hiem-vat-lieu-phuc-vu-cong-trinh-a182050.html