Nhân dịp đầu xuân mới, xin giới thiệu cùng bạn đọc, nhất là các bạn trẻ chuẩn bị hôn nhân về giai thoại của hai chữ này.
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu rõ “Song hỷ” có nghĩa như thế nào. “Song hỷ” là từ Hán Việt và là từ ghép, mỗi từ đều có nghĩa riêng. Theo từ điển tiếng Việt của nhóm tác giả Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Ngọc Hạnh, Quỳnh Tâm, thì “song” là đôi, là hai cái. Ví dụ: Song hành. Cũng theo sách này, hỷ là mừng, vui, niềm vui là việc tốt lành, việc vui mừng. Như vậy, khi ghép hai từ trên lại thì “song hỷ” là hai niềm vui. Tuy nhiên, hai chữ “song hỷ” có nguồn gốc từ chữ Hán và người xưa hiểu hai chữ này theo hai nghĩa. Thứ nhất là đại khoa, tức đỗ đạt trong thi cử, thứ hai là tiểu khoa, hàm ý chỉ việc lập gia thất - lấy vợ, lấy chồng nên “song hỷ” được hiểu là hai niềm vui lớn và trọng đại của một nam nhân trưởng thành.
Và theo quan niệm phong kiến ngày xưa, một nam nhân công thành danh toại trước hết phải là người đỗ đạt cao trong khoa cử, ra phò tá vua giúp nước để có vị thế cao. Việc hệ trọng thứ hai là lấy vợ và vợ phải là con nhà danh giá, là tiểu thư khuê các, là cành vàng lá ngọc trong xã hội đương thời… Mục đích cuối cùng phải đạt được là có con để nối dõi tông đường.
Chuyện xưa kể lại rằng vào đời nhà Tống ở Trung Quốc có một nho sĩ tên là Vương An Thạch. Từ nhỏ, Vương An Thạch đã nổi tiếng là người thông minh và học giỏi. Đến năm 20 tuổi, Vương An Thạch được cha mẹ cho lên kinh thành dự khoa thi. Trên đường tới kinh, khi đi qua cổng tư dinh của viên quan nhà họ Mã thì Vương An Thạch nhìn thấy trên chiếc đèn kéo quân treo trước cổng nhà có đề một vế xướng cần người đối lại như sau: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ”. Nghĩa của vế xướng này là: Đèn kéo quân, quân có chạy được là nhờ đèn, đèn tắt thì quân cũng ngừng ngay”.
Xem xong, Vương An Thạch nhập tâm vế đối ấy rồi vội vàng lên đường đến kinh cho kịp ngày dự thi và cũng là để có thời gian suy ngẫm vế đối. Vào dự thi xong, Vương An Thạch làm bài và nộp sớm. Quan chủ khảo xem xong bài thi của Vương An Thạch rồi tấm tắc khen hay. Khi Vương An Thạch định cất bước ra về thì nghe tiếng quan chủ khảo gọi lại và ra vế đối thử tài anh một lần nữa. Sau đó, viên chủ khảo chỉ vào lá cờ đang bay trước trường thi rồi đọc vế xướng rằng: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyện, hổ tàng thân”. Nghĩa của vế xướng này là: Cờ bay hổ cũng bay, hổ bay được là nhờ có cờ, cờ cuốn lại thì hổ cũng thu mình”.
Vừa nghe quan chủ khảo đọc xong vế xướng, Vương An Thạch nhớ ngay đến vế xướng viết trên đèn kéo quân treo trước nhà của viên quan nhà họ Mã và đối lại rằng: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ”.
Vương An Thạch vừa đọc xong vế đối, viên quan chủ khảo nức nở khen tài ứng đối của Vương An Thạch vừa chỉnh lại vừa hay và ông ta cho rằng Vương An Thạch sẽ đỗ cao trong kỳ thi này.
Rời trường thi, trên đường trở về nhà, Vương An Thạch không quên ghé vào tư dinh của viên ngoại họ Mã. Đến nơi, Vương An Thạch thấy vế đối trên chiếc đèn kéo quân treo ở cổng vẫn chưa có người đối. Lúc đó, Vương An Thạch bình tĩnh đọc nhẩm lại vế xướng viết trên chiếc đèn kéo quân và đọc: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ”. Vừa đọc nhẩm xong vế xướng, Vương An Thạch đứng tại chỗ mà thốt lên rằng: “Câu này đối dễ thôi”. Người nhà của viên ngoại họ Mã nghe vậy liền chạy vào báo. Một lúc sau, viên quan họ Mã cho người ra mời Vương An Thạch vào trong và xin được nghe vế đối.
Sau khi vào nhà, chờ chủ gia an vị, Vương An Thạch mới bình tĩnh thưa rằng mình là “cống sĩ” - người ứng thí tiến sĩ. Chủ nhà nghe đến đó thì tỏ rõ thái độ rất vui. Và ngay lúc đó, Vương An Thạch liền đọc vế xướng của quan chủ khảo ở trường thi làm vế đối của mình: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyện, hổ tàng thân”. Viên quan họ Mã thấy vế đối vừa chỉnh lại vừa hay nên tỏ rõ thái độ vui mùng nên đã hứa gả cô con gái cưng của mình cho Vương An Thạch. Đó là một cô gái vừa xinh đẹp, vừa nết na lại giỏi chữ nghĩa và vế xướng kia chính là của cô ra, với mục đích là nếu ai đối được sẽ lấy làm chồng.
Thế rồi chẳng bao lâu sau, lễ thành hôn giữa Vương An Thạch và cô con gái cưng của viên quan họ Mã được cử hành. Đúng ngày gia đình Vương An Thạch lên đường đi rước dâu thì viên quan từ triều đình về báo tin rằng, Vương An Thạch thi đỗ tiến sĩ và được nhà vua gọi vào kinh nhận áo mũ. Với hai niềm vui lớn đến cùng một lúc, Vương An Thạch liền lấy giấy bút ra viết hai chữ “hỷ” rất to đứng cạnh liền nhau và được đọc theo vần điệu là “Song hỷ”, với dụng ý là hai việc tốt lành. Sau đó, ông sai người treo trước cổng nhà. Từ đây, giai thoại về chữ “Song hỷ” gắn liền với trạng nguyên họ Vương cho đến ngày hôm nay.
Giai thoại về nguồn gốc của hai chữ “Song hỷ” là như vậy. Nói cách khác, “Song hỷ” tức là hai niềm vui lớn trong đời của một nam nhân đến cùng một lúc, hay là đến song song với nhau. Với Vương An Thạch thì vừa có công danh lại vừa yên bề gia thất với người vợ giỏi giang, ngoan hiền.
Diệp Viên