Mặc dù tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 100 năm qua, nhưng chất lượng sức khỏe khi già đi lại không có sự cải thiện tương ứng. Ảnh: Peathegee Inc/Getty Images
Đây là giải thưởng lớn nhất từng có trong lĩnh vực nghiên cứu lão hóa, với mục tiêu "phá vỡ những giới hạn có thể" của quá trình này, theo bà Jamie Justice, Giám đốc điều hành của XPrize. Cuộc thi do Quỹ XPrize tổ chức, với tài trợ từ các tổ chức như Quỹ Hevolution của Saudi Arabia.
Tái tạo chức năng sống – điều kiện bắt buộc
Đội chiến thắng sẽ phải chứng minh khả năng phục hồi ba hệ thống cơ bản của cơ thể – cơ, nhận thức và miễn dịch – ở những người trong độ tuổi từ 50 đến 80, với hiệu quả kéo dài ít nhất 10 năm, lý tưởng là 20 năm.
Bên cạnh đó, giải pháp phải dễ tiếp cận, chi phí thấp, và có thể triển khai đại trà trong vòng 12 tháng sau khi giải được trao vào năm 2030, sau một đợt thử nghiệm lâm sàng kéo dài một năm trị giá 81 triệu USD.
“Thành công sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta nhìn nhận về lão hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng y tế”, bà Justice nói.
XPrize không phải là tổ chức duy nhất nỗ lực trong cuộc đua kéo dài tuổi thọ. Quỹ Hevolution cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong hơn một thập kỷ cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và hợp tác toàn cầu về tuổi thọ.
Giải thưởng Chuột Methuselah (Mprize) đã tài trợ hơn 4,5 triệu USD để kéo dài tuổi thọ ở chuột. Giải Tuổi thọ Palo Alto và Giải Khởi nghiệp Trẻ hóa cũng lần lượt tài trợ từ 1–3 triệu USD cho các sáng kiến tương tự.
Các giải thưởng này phản ánh thực trạng rằng dù tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng gấp đôi trong thế kỷ qua, tuy nhiên “tuổi thọ khỏe mạnh” lại không tăng tương xứng.
Tại Anh, phụ nữ có thể sống với 22 năm cuối đời trong tình trạng sức khỏe kém, trong khi đàn ông trung bình sống 17 năm với bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc chất lượng sống suy giảm.
Không chỉ chữa bệnh, mà là ngăn lão hóa
Khác với y học hiện đại vốn tập trung vào điều trị từng bệnh riêng lẻ, XPrize hướng tới các giải pháp nhắm vào cơ chế sinh học của lão hóa. “Đây không phải là về điều trị bệnh, mà là tái định nghĩa cách sống khỏe lâu hơn”, bà Justice nhấn mạnh.
Trong số hơn 1.000 đơn đăng ký từ các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, công ty công nghệ y tế, sinh viên và nhóm hacker sinh học trên toàn thế giới, 40 đội đã được chọn vào vòng bán kết – trong đó có 14 đội từ Anh. Các đề xuất bao gồm liệu pháp sinh học, dược lý, thay đổi lối sống – và thường là sự kết hợp của cả ba.
Nhiều nhóm nghiên cứu theo đuổi các phương pháp như liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch, đảo ngược biến đổi gene liên quan đến tuổi tác hoặc sử dụng các loại thuốc cũ như metformin và rapamycin – vốn được kỳ vọng là chìa khóa trong việc làm chậm lão hóa.
Một số thiết bị y tế tập trung vào kích thích thần kinh – cơ và duy trì khối cơ. Tuy nhiên, theo bà Justice, dù công nghệ có tiến xa đến đâu, chế độ ăn và vận động vẫn là yếu tố trung tâm trong việc sống khỏe lâu dài.
Từ dinh dưỡng đến hành vi: đa dạng giải pháp
Nhiều nhóm đề xuất các giải pháp dinh dưỡng như thực phẩm toàn phần, thực phẩm chức năng, kết hợp với các chất như nicotinamide mononucleotide (NMN) – một phân tử tự nhiên được xem là có tiềm năng chống lão hóa.
Dược phẩm dinh dưỡng, bao gồm các thực phẩm như cỏ lúa mì, rong biển, quả mọng, protein, axit amin, thảo dược và hợp chất hỗ trợ trao đổi chất, mang lại lợi ích vượt xa giá trị dinh dưỡng thông thường.
Ngoài ra, các phương pháp cải thiện lối sống như đào tạo nhận thức, tối ưu hóa giấc ngủ và tham gia cộng đồng cũng rất quan trọng. Những chiến lược phổ biến thường kết hợp bài tập aerobic, sức bền với chế độ ăn uống khoa học, cùng với các biện pháp cải thiện giấc ngủ như thiền, cầu nguyện và các bài tập thở.
Giải pháp thành công nhất có thể sẽ là sự phối hợp tổng thể giữa công nghệ cao và thay đổi thói quen sống.
NGHIÊM THANH