Giảm 40% đầu mối sau khi hợp nhất 2 bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải

Giảm 40% đầu mối sau khi hợp nhất 2 bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải
21 giờ trướcBài gốc
Họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng chiều 27/12/2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chiều nay, 27/12, bà Đỗ Thị Phong Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Xây dựng) cho biết theo kết luận của Ban chỉ đạo Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết 18, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sau khi hợp nhất sẽ có tên gọi mới là Bộ Xây dựng và Giao thông. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 24-27 đơn vị, giảm tương đương 35-41% tổng số đầu mối.
Số vụ, cục sau hợp nhất giảm mạnh
Thông tin cụ thể tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, diễn ra chiều nay, bà Đỗ Thị Phong Lan cho biết Bộ Xây dựng đã hoàn thành báo cáo tổng kết kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 18 vừa qua.
Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành Đề án “Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng” và Đề án “Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng và Ban cán sự đảng Bộ Bộ Giao thông Vận tải, thành lập Đảng bộ Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải” gửi Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo Chính phủ.
Bộ Xây dựng đã thực hiện tinh giản bộ máy từ trước Nghị quyết 18 và càng đẩy mạnh hơn nữa ngay sau khi được quán triệt và triển khai Nghị quyết 18.
Theo bà Lan, về Đề án hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng, theo Kết luận của Ban chỉ đạo Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết 18, tên gọi 2 bộ được quyết định là Bộ Xây dựng và Giao thông.
Về cơ cấu tổ chức chính quyền, số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị (trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị).
Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 24-27 đơn vị, giảm tương đương 35 - 41% tổng số đầu mối, trong đó khối tham mưu tổng hợp có 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, Kế hoạch tài chính, Tổ chức cán bộ, Pháp chế và Hợp tác quốc tế); khối chuyên ngành có khoảng 13 -16 đơn vị.
Bà Lan khẳng định, qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, mặc dù chức năng, nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao liên tục tăng qua các nhiệm kỳ và chỉ tiêu biên chế được giao rất hạn hẹp, song Bộ Xây dựng vẫn thực hiện nghiêm việc tinh gọn bộ máy mà luôn giữ được cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, nhiệm kỳ Chính phủ 2006 - 2011, Bộ Xây dựng được giao bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với 2 lĩnh vực mới là phát triển đô thị và kinh doanh bất động sản; nhiệm kỳ Chính phủ 2011 -2016, Bộ Xây dựng được giao bổ sung 26 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, Bộ Xây dựng được bổ sung 21 nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đến nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2026, Bộ Xây dựng được bổ sung làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công viên, cơ khí xây dựng, chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Về chỉ tiêu biên chế được giao, Bộ Xây dựng chưa có thời điểm nào được giao quá 400 biên chế và giảm dần qua các năm. Riêng năm 2024, số lượng biên chế được giao Bộ Xây dựng còn là 357 biên chế và giai đoạn 2022- 2026, Bộ Xây dựng được giao chỉ còn 339 biên chế cho đến hết năm 2026.
Bộ Xây dựng tinh gọn bộ máy trước khi hợp nhất
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Đỗ Thị Phong Lan, cũng cho biết trong bối cảnh trên, các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ Xây dựng cơ bản đều đã được thành lập, giữ ổn định tên gọi và mô hình hoạt động trong khoảng 4 nhiệm kỳ gần đây.
Theo bà Lan, một số cơ quan được nâng cấp, chuyển đổi mô hình hoặc tổ chức, sắp xếp lại trong 2 nhiệm kỳ gần đây (từ vụ lên cục, từ ban sang vụ) đều đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý cũng như việc bổ sung nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng qua từng nhiệm kỳ và yêu cầu cải cách hành chính.
“Bộ cũng đã đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập; hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận bên trong các đơn vị để thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, giảm biên chế đồng thời thực hiện nghiêm các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước,” bà Lan thông tin.
Cũng theo bà Lan, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính, đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về SCIC 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó.
Ngoài ra, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng cũng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng.
Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
“Có thể khẳng định Bộ Xây dựng đã thực hiện tinh giản bộ máy từ trước khi có Nghị quyết 18 và càng đẩy mạnh hơn nữa ngay sau khi được quán triệt và triển khai nghị quyết,” bà Lan nhấn mạnh./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/giam-40-dau-moi-sau-khi-hop-nhat-2-bo-xay-dung-va-giao-thong-van-tai-post1004492.vnp