Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 13/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn Nhà nước; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
Cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ là “Người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn Nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ nhóm áp dụng, bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trên 50% vốn, hoặc dưới 50% vốn, thể hiện tinh thần quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước tại mọi loại hình doanh nghiệp.
Song, đại biểu cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, dù là 100%, trên 50%, hay dưới 50%.
Ví dụ, với doanh nghiệp có 49% vốn Nhà nước, vai trò quản lý và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cần được quy định cụ thể để đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Về nguyên tắc quản lý vốn Nhà nước, theo đại biểu, không nên xem vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp.
Vốn Nhà nước, dù ở tỷ lệ bao nhiêu, vẫn là vốn của Nhân dân, cần được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Vân Huyền