Giảm áp lực khi bệnh nhân không phải đi lấy thuốc hằng tháng

Giảm áp lực khi bệnh nhân không phải đi lấy thuốc hằng tháng
9 giờ trướcBài gốc
Bệnh viện K là một trong những bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư. Theo lãnh đạo Bệnh viện K, ngay từ ngày 1.7 Bệnh viện đã áp dụng Thông tư 26/2025/TT-BYT đối với bệnh nhân. Thông tư đã tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần chuẩn hóa quy trình kê đơn, nâng cao trách nhiệm của người hành nghề y và bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Ngay ngày đầu tiên áp dụng, chị Lê Thị T. (43 tuổi, Hưng Yên) đã được hưởng lợi ích từ Thông tư 26 mang lại. Chị T. chia sẻ: Năm 2024, chị được chẩn đoán ung thư vú phải, giai đoạn 2, thể nội tiết. Chị nhập viện phẫu thuật và sau đó được điều trị 6 mũi hóa chất. Cuối năm 2024, chị được chuyển sang khoa Xạ, xạ 15 đợt và được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ.
Nhiều gệnh nhân Bệnh viện K vui mừng vì bớt được gánh nặng hằng tháng phải đi lấy thuốc điều trị
Theo lịch tái khám, cứ mỗi 3 tháng chị đều tới bệnh viện. Tuy nhiên, thuốc điều trị thì phải lấy theo từng tháng. Mỗi tháng chị đều phải xin nghỉ việc 1 ngày để lên Hà Nội vào viện lấy thuốc, thực sự rất mệt mỏi.
“Lần này đi khám, được Bệnh viện thông báo thực hiện Thông tư mới của Bộ Y tế về việc cấp phát thuốc cho người bệnh, chúng tôi được phát thuốc 3 tháng một lần. Tôi thực sự cảm thấy vui và vô cùng phấn khởi. Đây là sự hỗ trợ to lớn của Bộ Y tế, của Bệnh viện K đối với người bệnh.
Giờ tôi không còn phải lo lắng về việc mỗi tháng phải di chuyển lên Hà Nội lấy thuốc, không phải mệt mỏi, áp lực mỗi lần vào viện, chờ đợi rất lâu, tốn kém chi phí đi lại, ăn uống”, chị T xúc động.
Cũng có tâm trạng phấn khởi, vui mừng như chị Lê Thị T., chị Nguyễn Thị M. (Tuyên Quang) cho biết: “Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ hỗ trợ bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng vào 1 lần, tôi cũng như nhiều người bệnh rất bất ngờ và cảm thấy rất mừng.
Đây là nguyện vọng, là mong muốn của mỗi người bệnh khi đến đợt lấy thuốc. Đặc biệt là những người ở các khu vực ngoại tỉnh như chúng tôi, không có đủ điều kiện, thời gian để di chuyển quá nhiều tới thành phố, bệnh viện. Điều này giúp giảm bớt những áp lực về đi lại, chi phí cho người bệnh mỗi lần phải di chuyển đi lấy thuốc”.
Không chỉ người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng cho biết đây quy định của Thông tư 26 không chỉ giảm thiểu áp lực cho người bệnh mà cả đối với cán bộ nhân viên, y bác sĩ. Người bệnh có thể giảm bớt thời gian đi lại để lấy thuốc, tiết kiệm chi phí lớn. Cùng với đó, các cán bộ, nhân viên y tế và bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện K, Thông 26/2025/TT-BYT làm minh bạch hóa công tác khám chữa bệnh giúp Bệnh viện quản lý chặt chẽ hơn quy trình kê đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bằng cách tư vấn đầy đủ thông tin về thuốc và điều trị.
“Trước những điểm mới của Thông tư 26/2025/TT-BYT, Bệnh viện K nhận thấy rõ đây là một bước tiến đột phá trong việc hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh.
Áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo Thông tư 26/2025/TT-BYT không chỉ nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế mà còn giảm bớt được áp lực của bệnh nhân khi tới khám chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, nhất là với những bệnh nhân sinh sống tại các tỉnh thành xa thành phố Hà Nội”, lãnh đạo Bệnh viện K cho hay.
Bộ Y tế cho biêt, không chỉ bệnh ung thư mà có tới 252 bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày được quy định tại Thông tư 26 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với bệnh thuộc Danh mục này, người kê đơn thuốc quyết định số ngày sử ụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.
Bên cạnh đó, một số điểm mới tại Thông tư như bổ sung một số trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc. Cụ thể, bắt buộc thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc số căn cước hoặc số hộ chiếu của người bệnh (công dân Việt Nam cung cấp số định danh cá nhân không cần kê khai các thông tin về giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú).
Người kê đơn cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc trong đơn thuốc cho người bệnh.
Trong trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong 1 lượt khám thì bệnh viện tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có 1 đơn thuốc, đảm bảo đơn thuốc không bị trùng lặp, tương tác thuốc và điều trị hiệu quả, hợp lý.
Thông tư cũng quy định bỏ mẫu sổ khám, người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở hoặc kết thúc điều trị nội trú được kê đơn vào đơn thuốc và quản lý bằng hồ sơ bệnh án phù hợp.
Ngoài ra, các quy định của Thông tư đã cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 như việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.
Việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm các nguyên tắc: chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh.
Đồng thời, đơn thuốc phù hợp với Luật dược sửa đổi, bổ sung năm 2024 như quy định về xử lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đã bán/cấp cho người bệnh nhưng không sử dụng hết hoặc tử vong...
LÊ DUY
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/giam-ap-luc-khi-benh-nhan-khong-phai-di-lay-thuoc-hang-thang-151452.html