Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Duy Linh
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc điều chỉnh quy chế thi, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong cách đánh giá học sinh, chuyển từ kiểm tra kiến thức và kỹ năng sang đánh giá năng lực toàn diện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức trong ba buổi thi, gồm ngữ văn, toán và một bài thi tự chọn. So với những năm trước, giảm một buổi thi và hai môn thi, tạo điều kiện giảm áp lực và chi phí xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Việc sắp xếp thí sinh dự thi theo tổ hợp bài thi tự chọn cũng được thực hiện để tối ưu hóa công tác tổ chức.
Một điểm mới đáng chú ý là sự kết hợp giữa điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi với tỷ lệ 50-50 trong xét tốt nghiệp. Điều này không chỉ tăng tỷ lệ trọng số học bạ mà còn mở rộng phạm vi đánh giá từ lớp 10 đến lớp 12 thay vì chỉ lớp 12 như trước đây. Sự thay đổi này không chỉ khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc ngay từ năm đầu trung học phổ thông mà còn đảm bảo đánh giá sát hơn năng lực của các em theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, các quy định về ngoại ngữ cũng được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng hơn. Cụ thể, chứng chỉ ngoại ngữ sẽ vẫn được sử dụng để miễn thi nhưng không còn được quy đổi thành điểm 10 như trước đây. Điều này khắc phục bất cập trong việc đánh đồng giữa các mức chứng chỉ, hướng đến đánh giá công bằng và khách quan hơn.
Điểm khuyến khích cũng được thay đổi khi loại bỏ việc cộng điểm các chứng chỉ nghề, tin học, ngoại ngữ và bằng trung cấp nghề đối với học sinh hệ Giáo dục thường xuyên. Sự điều chỉnh này nhằm thống nhất tiêu chí giữa các hệ đào tạo, phản ánh tinh thần bình đẳng trong hệ thống giáo dục.
Bên cạnh đó, quy chế mới còn mở rộng chính sách đối với thí sinh quốc tế. Những học sinh người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam có thể sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn ngữ văn thông qua việc học môn ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Đặc biệt, năm 2025 sẽ đánh dấu bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ khi lần đầu tiên đề thi được vận chuyển qua hệ thống mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Phương thức mới này không chỉ đảm bảo an toàn, bảo mật mà còn giảm bớt gánh nặng về thời gian và nhân sự, đồng thời tạo nền tảng cho việc chuyển đổi sang hình thức thi trên máy tính trong tương lai.
Minh Nhật