Hành trình tri ân đặc biệt
Trong thế kỷ XX, hiếm có quốc gia nào trên thế giới chịu nhiều đau thương, mất mát như Việt Nam vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Theo thống kê, cả nước có khoảng 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó có hơn 300.000 trường hợp chưa tìm được đầy đủ thông tin.
Chiến tranh càng lùi xa, việc quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ ngày càng gặp nhiều khó khăn vì những tác động khách quan từ môi trường và cũng bởi thân nhân trực hệ còn lại của các liệt sĩ ngày càng ít đi. Do đó, việc xác minh danh tính liệt sĩ đang là một trong những chủ trương được Đảng, Nhà nước và Quân đội tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Cán bộ Viện PYQĐ tiến hành lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ tại xã Hải An, tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện chủ trương trên, trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Viện PYQĐ đã phối hợp với Cục Người có công, Bộ Nội vụ khai quật, giám định hình thái 759 phần mộ liệt sĩ chưa biết thông tin tại Nghĩa trang Liệt sĩ Duyên Hải, Trà Ôn, Tam Bình lấy được 490 mẫu hài cốt liệt sĩ phục vụ giám định ADN.
Những ngày trung tuần tháng 7-2025, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2025), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chỉ đạo Cục Quân y, Viện PYQĐ tổ chức thực hiện nhiệm vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo quan điểm chỉ đạo của thủ trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật: “Tập trung khoanh vùng, thực hiện quyết liệt, hoàn thành nhiệm vụ trước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7”. Từ ngày 18 đến 21-7, Viện PYQĐ tổ chức thành 5 tổ, đi 5 hướng gồm: Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, có nhiệm vụ đến gia đình thân nhân của 129 liệt sĩ của Trung đoàn 1, Quân khu 9 (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9) để lấy mẫu sinh phẩm, phục vụ giám định ADN, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Cán bộ Viện PYQĐ trao đổi, xác nhận thông tin trước khi lấy mẫu sinh phẩm tại nhà anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Cứ, tỉnh Bắc Ninh.
Nhiệm vụ khó khăn và đặc thù
“Giám định ADN” - công việc tưởng chừng chỉ gắn liền với không gian trong phòng thí nghiệm, máy móc hiện đại, nhưng thực tế quy trình gồm rất nhiều khâu và mỗi khâu đều có những khó khăn riêng. Đối với mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, vấn đề lớn nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, trải qua hơn nửa thế kỷ, hài cốt cùng di vật bị ảnh hưởng rất nhiều, việc lấy mẫu phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, cán bộ Khoa Giám định, Viện PYQĐ cho biết: “Các mẫu sinh phẩm được lấy thường là răng, xương của hài cốt liệt sĩ, trong đó, răng được đánh giá là mẫu tốt nhất để giám định ADN. Trong trường hợp không còn răng, một phần tổ chức xương còn nguyên vẹn sẽ được lấy để giám định”.
Lấy mẫu sinh phẩm em trai Liệt sĩ Nguyễn Thế Phúc, tại tỉnh Bắc Ninh.
Việc lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cũng gặp không ít trở ngại như: Địa bàn trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố, thời gian gấp, thiếu nhiều thông tin, không có địa chỉ, số điện thoại cụ thể... Đặc biệt, trong thời điểm cả nước vừa xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, địa danh, bộ máy chính quyền địa phương có nhiều thay đổi, các đồng chí cán bộ, nhân viên của Viện phải rất vất vả trong việc tìm gặp thân nhân liệt sĩ.
Theo chia sẻ của Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Phong, Khoa Giám định, dù được Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, tỉnh Nam Định (cũ) tích cực hỗ trợ, nhưng các tổ công tác phải kiên trì dò hỏi từng thôn, xóm để tìm đến tận gia đình thân nhân liệt sĩ. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ đi vắng, không có mặt tại địa phương, hoặc liệt sĩ không còn thân nhân trực hệ dòng mẹ nên không đủ điều kiện lấy mẫu giám định.
Lấy mẫu sinh phẩm em gái liệt sĩ Hoàng Kim Phước, tại tỉnh Ninh Bình.
Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm sinh học cho biết: “Trước đây, việc giám định ADN chủ yếu sử dụng mẫu tóc và móng tay của thân nhân, hiện nay với công nghệ mới, hiện đại, lấy mẫu sinh phẩm là máu thân nhân sẽ cho kết quả chính xác hơn. Mặt khác, công việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ khó hơn rất nhiều so với người sống. Do số lượng mẫu giám định nhiều, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật viên phải làm việc rất cẩn trọng, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình. Đây là nhiệm vụ rất đặc biệt, trong khoảng 12 ngày gấp rút thực hiện, chúng tôi thực hiện giám định 109 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và 30 mẫu hài cốt liệt sĩ. Kết quả khớp nối so sánh và xác định được 6 cặp mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với nhau".
Theo Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh đây là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, chỉ huy và tập thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của Viện. Mỗi kết quả giám định thành công không chỉ là một thành tựu khoa học mà còn là một hành trình trả lại tên cho những người đã khuất, mang lại niềm an ủi cho gia đình liệt sĩ. Đây là tình cảm, trách nhiệm của những người lính thế hệ đi sau dành cho những người lính thế hệ cha ông đi trước đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
Giấy báo tử của liệt sĩ Vũ Ngọc Quỳnh (tỉnh Ninh Bình).
Hành động theo “mệnh lệnh từ trái tim”
Bà Ngô Thị Mười, em gái út của liệt sĩ Ngô Văn Phóng, quê ở xã Trần Thương, tỉnh Ninh Bình (trước đây là xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng được chính quyền, cơ quan các cấp quan tâm, lấy mẫu giám định ADN mấy lần nhưng kết quả không như mong đợi. Lần này, gia đình chúng tôi cầu mong có kết quả để đưa được phần mộ của anh Phóng về quê hương bản quán, đoàn tụ cùng phần mộ tổ tiên dòng tộc, để anh em, con cháu được yên tâm thờ phụng”. Những câu chuyện, những lời gửi gắm như vậy trở thành động lực thôi thúc cán bộ, nhân viên của Viện PYQĐ vượt qua khó khăn, khẩn trương giám định, đối soát, sớm đưa hài cốt những liệt sĩ còn chưa rõ thông tin về với gia đình.
Em trai liệt sĩ Ngô Văn Phóng (tỉnh Ninh Bình) trước di ảnh anh trai.
Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Phạm Thanh An, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Với tôi ký ức về những ngày tháng kiên gan tại chiến trường miền Tây Nam Bộ vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày nào. Do chiến trường ác liệt, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1 hy sinh, thi thể chưa thể đưa về. Thời gian trôi qua, nhưng niềm thương tiếc khôn nguôi đồng chí, đồng đội đã hy sinh là nỗi đau âm ỉ trong lòng những người lính Trung đoàn 1 chúng tôi. Hôm nay cán bộ, bác sĩ Viện PYQĐ về tại địa phương gặp gỡ, lấy mẫu sinh phẩm thân nhân để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, thay mặt các gia đình thân nhân liệt sĩ tôi xin trân trọng cảm ơn!”.
Cán bộ Viện Pháp y Quân đội bàn giao mẫu sinh phẩm mới thu nhận để tiến hành giám định ADN.
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Tất Thọ, Phó viện trưởng Viện PYQĐ khẳng định: “Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật về nhiệm vụ giám định ADN xác minh danh tính liệt sĩ, chúng tôi xác định đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và lòng tri ân với những người con anh dũng đã không tiếc thân mình hy sinh vì Tổ quốc, góp phần đáp ứng phần nào niềm mong mỏi của bao gia đình liệt sĩ cũng như của toàn xã hội”.
Với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 11 đến 22-7, Viện PYQĐ đã hoàn thành việc thu thập và phân tích mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ và bàn giao kết quả đối chiếu ADN, xác định được danh tính 6 liệt sĩ cho Cục Chính sách - Xã hội để thực hiện các bước tiếp theo.
Bài, ảnh: THẢO HIỀN BẢY - DŨNG DƯƠNG