Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS: 'Nhiều nhà đầu tư đang mua gom hàng trong những phiên rung lắc'

Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS: 'Nhiều nhà đầu tư đang mua gom hàng trong những phiên rung lắc'
7 giờ trướcBài gốc
Thị trường sẽ sớm vượt qua những biến động
Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 10/02, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) chia sẻ, mức thanh khoản hơn 10.000 tỷ đồng khi chưa hết phiên sáng ngày 10/2 là cao gấp đôi so với phiên trước. So với 5 phiên gần đây, mức thanh khoản này cũng cao gần gấp đôi. Đây là tín hiệu mừng đối với thị trường nói chung, bởi trong giai đoạn trước Tết, thanh khoản thị trường rất thấp.
Thị trường nhận tin tức về việc ông Donald Trump dự kiến đánh thuế với sản phẩm thép nhập khẩu, làm cho nhà đầu tư hơi lo lắng, tạo ra áp lực chốt lời ngắn hạn trong tuần giao dịch sau Tết. Tuy nhiên, thanh khoản cao đồng nghĩa nhiều nhà đầu tư đang mua gom hàng trong những phiên rung lắc khi VN-Index đã tăng trong tuần thứ 3 liên tiếp, đang tiệm cận đến những vùng kháng cự như 1.275 - 1.280 điểm. Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu cũng tăng rất nóng, chẳng hạn như những cổ phiếu có câu chuyện riêng.
Ông Sơn nhận định, sau phiên rung lắc sáng 10/2, với lực cầu rất tốt trong thời điểm hiện tại và tâm lý đã bình ổn, có lẽ thị trường sẽ sớm vượt qua những biến động này và lấy lại xu hướng tăng trong những phiên tiếp theo. Hiện thông tin áp thuế mới chỉ là bước đầu và tác động với ngành thép Việt Nam là không quá lớn.
Theo ông Sơn, kịch bản thị trường rung lắc sẽ xoay quanh ngưỡng 1.275 điểm và tích lũy quanh vùng này trước khi đi lên có xác suất xảy ra lên tới 70%. Thị trường đã có ngưỡng hỗ trợ rất cứng, ở vùng 1.250 – 1.260 điểm. Sau đợt rung lắc này, khả năng VN-Index vẫn có thể kiểm nghiệm lại những vùng kháng cự cao hơn, chẳng hạn như 1.280 hay sát 1.300 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank
Với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% được Chính phủ đề ra, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức rất cao. Do đó, nhiều nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi, trong đó có ngành ngân hàng. Trong những phiên rung lắc gần đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn rất mạnh mẽ.
Đầu năm nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bứt tốc rất nhanh. Đặc biệt như CTG, TCB, MBB đang có dấu hiệu tăng rất tốt trong hai tuần trở lại đây, giúp ngành ngân hàng bứt phá trong thời điểm đầu 2025.
Nếu chỉ số VN-Index chạm lại ngưỡng 1.300 điểm hoặc vượt qua, đây có thể là giai đoạn chốt lời ngắn hạn với cổ phiếu ngân hàng và nhà đầu tư có thể canh mua lại sau.
Trong nửa đầu năm, ông Sơn cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn có thể sẽ chạm, hoặc vượt qua 1.300 điểm trong thời gian ngắn nhưng sau đó dễ điều chỉnh trở lại do thị trường dễ bị ảnh hưởng về mặt thông tin, chính sách thuế hay những yếu tố liên quan đến tỷ giá. Nhưng đến cuối năm, kể từ sau tháng 8-9, khả năng VN-Index vượt 1.300 điểm, lên vùng cao mới là rất sáng. Chiến lược trong 6 tháng đầu năm vẫn là giao dịch (trading) trong biên. Cổ phiếu chạm nền cao thì nên chốt lời và canh mua trở lại trong vùng điều chỉnh.
Ấn tượng mục tiêu tăng trưởng 8%
Ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25, đưa ra mục tiêu cụ thể cho 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương trên cả nước, nhằm đạt tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tạo nền tảng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2025 – 2030, một chỉ tiêu dự kiến sẽ tăng trưởng rất cao sẽ là xuất khẩu hàng hóa (tăng 12%), thặng dư thương mại (30 tỷ USD), IIP (9,5%), ….
Trong năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đã vượt xa chỉ tiêu đề ra, nên mục tiêu này rất có thể đạt được. Tuy nhiên, những chính sách thuế quan của ông Trump có thể là thách thức cho mục tiêu trên. Thuế quan của Mỹ đang đánh vào những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại nhiều nhất, gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Việt Nam có thể vẫn sẽ là nước được hưởng lợi phần nào trong cuộc chiến thương mại bởi khi ông Trump đánh thuế, Mỹ vẫn sẽ phải nhập hàng hóa từ một khu vực khác.
Thặng dư thương mại được đặt mục tiêu là 30 tỷ USD trong năm 2025, cao hơn 24,8 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là một con số khá thách thức, nhưng vẫn có thể đạt được.
Thứ ba, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) dự kiến tăng 9,5% trong năm nay. Mục tiêu năm 2024 là 7 - 8%, nhưng thực tế tăng trưởng là 8,4%, cao hơn so với kế hoạch. Trong năm 2025, kỳ vọng mảng sản xuất công nghiệp phục hồi. Năm ngoái, cơn bão Yagi rất nặng nề nhưng việc khôi phục sản xuất công nghiệp rất nhanh và đã có tăng trưởng rất tốt trong giai đoạn cuối năm.
Thứ tư, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ở mức 12%. Trong kế hoạch 2024, đầu năm mục tiêu là 9% và cuối năm đạt kế hoạch. Con số 12% trong năm nay là khá thách thức.
Chính phủ đặt mục tiêu số lượng khách du lịch quốc tế đạt 22 – 23 triệu, cao hơn đáng kể so với 17,5 triệu năm 2024 thông qua giảm thiểu giấy tờ, thị thực; khách nội địa khoảng 120 – 130 triệu, so với 110 triệu của năm 2024. Du lịch sẽ tạo thành một ngành công nghiệp không khói, giúp tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa đạt mục tiêu 12%.
Ngoài Hà Nội và TP.HCM (tăng trưởng 8 – 8,5%) thì các tỉnh thành khác, đặc biệt những tỉnh thành có khu công nghiệp được đặt mục tiêu cao, chẳng hạn như Bắc Giang (tăng 13,6%), Hải Phòng (12,5%), Bắc Ninh (8%), Quảng Ninh, Ninh Bình (12%). Đây là mục tiêu vừa thách thức, nhưng có cơ sở nhất định.
Động lực tăng trưởng trong năm nay sẽ đến từ đầu tư công, trở thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế. Đầu tư toàn xã hội dự kiến hơn 174 tỷ USD, xấp xỉ 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Việt Nam sẽ khánh thành hàng loạt con đường cao tốc. Kế hoạch đầu tư công mạnh mẽ như vậy sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu đầu tư công mạnh thì nhu cầu xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục đi lên. Do đó, những cổ phiếu doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, xây lắp và vật liệu có nhiều dư địa phục hồi trong năm 2025.
Về du lịch, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã đón 2,1 triệu lượt khách, tăng gần 37% so với cùng kỳ. Du lịch đã có dấu hiệu phục hồi rất rõ ràng so với giai đoạn trước Covid-19.
Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ sẽ là điều kiện rất tốt cho tăng trưởng bán lẻ, hàng hóa tiêu dùng. Trong tháng 1, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 2,7% so với tháng trước và 9,5% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, khách du lịch đến Việt Nam đã trở lại giai đoạn trước COVID. Sang năm 2025, khách du lịch đã vượt qua giai đoạn trước COVID. Nhờ những biến chuyển này, có thể kỳ vọng du lịch sẽ kích thích sức mua và những yếu tố như dịch vụ, tiêu dùng trong nước sẽ tăng tốt như kịch bản kinh tế 2025.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng kịch bản lạm phát trong năm 2025 có xu hướng cao hơn so với 2024. Ba kịch bản mà Bộ Tài chính đưa ra dự báo CPI bình quân lần lượt là 3,83%, 4,15% và 4,5%. Chính phủ đề nghị chọn kịch bản thứ hai – CPI tăng 4,15%. Ngoài ra, khoảng mục tiêu lạm phát cũng đã được nới rộng hơn so với năm 2024.
Nguyên nhân khiến Chính phủ nâng kịch bản lạm phát lên là bởi mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%, kéo theo tăng trưởng tín dụng cũng phải ở mức 16%. Tăng trưởng tín dụng nhanh, kết hợp với những biến động bên ngoài về giá hàng hóa và tỷ giá, đã được Chính phủ tính đến khi đặt mục tiêu lạm phát. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và những cân đối khác thì đây là một kết quả có thể chấp nhận được.
Theo ông Sơn, tăng trưởng 8% là mục tiêu khá ấn tượng, với cả mặt bằng chung thế giới. Chẳng hạn, trong khu vực ASEAN - 6, mức tăng trưởng trung bình chỉ dưới 6%. Trong nước, nhiều địa phương được đặt mục tiêu 12 – 13%. Để đạt được kết quả này, cần có sự hành động rất quyết liệt.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% thì tín dụng phải ở mức tương đối cao. Để đổi lấy 1% tăng trưởng GDP thì chúng ta phải cần 2% tăng trưởng tín dụng. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP là 8% thì tín dụng phải ít nhất từ 16 – 18%.
Trong năm Chính phủ cam kết tăng trưởng tín dụng cao thì dư địa tăng trưởng cho hầu hết lĩnh vực sẽ tốt. Một số ngành có lợi thế trực tiếp bao gồm ngân hàng.
Với tăng trưởng 16 – 18% thì dư địa của ngành ngân hàng sẽ rất tốt. Ngoài ra, giai đoạn Việt Nam có tăng trưởng tín dụng cao thì thị trường cũng rất tích cực. Chẳng hạn như 2006 – 2007, khi tín dụng tăng cao và Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra những con sóng hàng trăm % lợi nhuận.
Giai đoạn hậu COVID, kết hợp với xu hướng tiền rẻ trên toàn cầu thì thị trường chứng khoán cũng có một năm tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2025, với cam kết tăng trưởng như vậy, có thể Chính phủ sẽ nới một chút tín dụng, cung tiền, tạo ra một giai đoạn tín dụng dễ dàng hơn, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như sản xuất, tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, giúp nền kinh tế phục hồi vững vàng hơn. Từ đó, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng và thị trường chứng khoán phục hồi rõ nét.
“Tôi tin rằng với một năm tăng trưởng tín dụng dễ dàng và được đẩy mạnh, các ngành phục hồi sẽ tạo ra điểm tựa mạnh cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi số liệu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, bởi dòng tiền vào thị trường bám sát tín dụng. Giai đoạn nào tăng trưởng tín dụng cao, dòng tiền dễ dàng hơn thì thị trường sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Tôi cho rằng xu hướng tăng trưởng mạnh sẽ rơi vào nửa cuối năm, có thể là sau quý II. Giai đoạn tăng tốc tín dụng sau quý II sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các ngành nghề, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Với những yếu tố đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục dẫn sóng trong năm 2025”, ông Sơn nhận định.
Thu Hương
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/giam-doc-chien-luoc-thi-truong-vpbanks-nhieu-nha-dau-tu-dang-mua-gom-hang-trong-nhung-phien-rung-lac-post363143.html