Đưa 45 bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản, liên quan 7 công ty thu hồi nợ ra xét xử, TAND TP Hà Nội đang nghỉ nghị án và sẽ tuyên án các bị cáo vào chiều 29/7.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Hồng Tiến (SN 1974, người điều hành toàn hệ thống gồm 7 công ty thu hồi nợ) bị xác định giữ vai trò cao nhất.
Theo cáo buộc, năm 2017, Tiến cùng Lê Quốc Thống (SN 1978, ở TPHCM) thành lập nhiều công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (Công ty Mirae Asset).
Thực chất, việc thành lập các công ty (có cùng hoạt động như nhau) nhằm mục đích che giấu và trốn tránh các cơ quan chức năng phát hiện hoạt động thu hồi nợ bất chính. Thống sử dụng một số nhân viên của công ty mình đứng tên đăng ký kinh doanh, nhưng bản chất các công ty này đều do “ông trùm” này làm chủ.
Từ tháng 7/2018-8/2022, nhóm của Tiến và Thống cùng Công ty Mirae Asset đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay của các khách hàng cá nhân vay của Công ty Mirae Asset. Tổng giá trị 238.160 hợp đồng hơn 3.555 tỷ đồng, Công ty đã đòi được hơn 571 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VA
Tiến để nhân viên dùng ảnh ghép, đồi trụy; gọi điện cho người thân, đồng nghiệp của khách hàng để gây sức ép đòi nợ. Các bị cáo còn nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách, dù họ không liên quan đến các khoản vay.
Hàng tháng, công ty của Thống và Tiến cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400-500 hợp đồng vay (gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng) để đòi nợ. Nếu 2 tháng liên tiếp nhân viên không đòi đủ số tiền theo quy định sẽ bị đuổi việc…
Quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát cho rằng, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội khi đã uy hiếp tinh thần, ép buộc những người bị hại trả nợ. Dù các khoản nợ là có thật, các bị cáo làm trong công ty thu hồi nợ, nhưng các bị cáo đã “biến tướng” việc đòi nợ thành các hành vi vi phạm pháp luật.
Các nhân viên thu hồi nợ đã đe dọa người mắc nợ và người thân của họ bằng cách cắt ghép hình ảnh và đưa thông tin không đúng sự thật về họ. Cơ quan tố tụng đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết cách ly các bị cáo khỏi xã hội một thời gian để đảm bảo tính răn đe.
“Ông trùm” bỏ trốn
Đánh giá tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng, các bị cáo có vai trò làm thuê cho Lê Quốc Thống (hiện bỏ trốn). Trong đó, bị cáo Trần Hồng Tiến có vai trò cao nhất, là giám đốc Công ty TNHH mua bán nợ DSP từ ngày 15/11/2019 đến khi bị bắt.
Tiến là người điều hành toàn bộ hoạt động công ty thay Thống. Bị cáo biết cách thức đòi nợ của các nhân viên dưới quyền là trái pháp luật nhưng vẫn đốc thúc chỉ tiêu, gây sức ép để họ đạt doanh số đòi nợ.
Theo đại diện VKS, Tiến chỉ là người làm thuê hưởng lương, làm việc theo chỉ đạo của “trùm cuối” Lê Quốc Thống. Đại diện VKS đề nghị xử phạt Tiến mức án 12–14 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Giữ vai trò cao thứ hai trong vụ án này là Nguyễn Đức Khoa (SN 1991). Dù không trực tiếp đòi nợ nhưng bị cáo và nhiều bị cáo liên quan biết nhân viên đòi nợ trái pháp luật, song vẫn hỗ trợ cho hành vi này. Bị cáo Khoa bị đề nghị từ 13-14 năm tù, các trưởng bộ phận bị đề nghị từ 11-13 năm tù.
Các bị cáo trưởng nhóm đòi nợ và nhân viên đòi nợ bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng đến 10 năm 6 tháng tù cùng về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Đối với Lê Quốc Thống, cơ quan tố tụng xác định người này có vai trò cao nhất trong vụ án. Tuy nhiên quá trình điều tra, Thống bỏ trốn nên CQĐT quyết định tách, rút hồ sơ và sẽ xử lý sau.
T.Nhung