Sở phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc dạy thêm học thêm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, trong thời gian thực hiện quy trình ban hành văn bản quy định dạy thêm, học thêm của Ủy ban nhân dân thành phố tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn tạm thời việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường qua Công văn số 577/SGDĐT-GDTrH ngày 14/02/2025 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm.
Cụ thể, công văn đề nghị các đơn vị tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và người dân quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Cùng với đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo nguyên tắc theo Điều 3 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm theo Điều 4 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm bên ngoài nhà trường).
Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo Điều 5, Điều 13 và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo khoản 3 Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Đồng thời, đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được thực hiện theo Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Ngoài ra, việc thu, quản lý tiền học thêm được thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định có liên quan đến tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Về kế hoạch kiểm tra và quản lý để đảm bảo các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29, ông Trần Thanh Bình cho hay: “Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Công an thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và việc theo dõi, quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục”.
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch ban hành hướng dẫn và phổ biến nội dung Thông tư số 29 về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Quy định này sẽ được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, văn bản quy định trách nhiệm của Ủy ban tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý và xử lý dạy thêm, học thêm.
Theo ông Thái Viết Tường, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch nhằm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về dạy thêm, học thêm và giao cho các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Nhân dân các huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương xử lý theo thẩm quyền.
Ông Tường cũng nhấn mạnh, địa phương sẽ quán triệt tinh thần tới các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư số 29.
Hỗ trợ kinh phí cho trường tổ chức dạy thêm cho học sinh cuối cấp là rất nhân văn
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh thành tùy điều kiện, xem xét hỗ trợ kinh phí cho các trường tổ chức dạy thêm cho học sinh cuối cấp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình cho hay: “Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các trường tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp cuối cấp mang đậm tính nhân văn, nhằm tạo điều kiện cho tất cả học sinh đều được tham gia ôn tập. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí cho nhà trường tổ chức dạy thêm cũng cần được quan tâm đúng cách”.
Theo ông Trần Thanh Bình, để sử dụng kinh phí hỗ trợ dạy thêm nếu được triển khai trên thực tế đạt hiệu quả cao, các trường học cần rà soát, xác định đúng đối tượng phải dạy thêm. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và đúng đối tượng cần được trường học chú trọng.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cũng nhấn mạnh, ngoài việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm, để việc ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đạt hiệu quả, trường học cần chỉ đạo giáo viên dành thời gian hợp lí ngoài giờ dạy để hướng dẫn học sinh tự học, bổ sung kiến thức cần thiết cho học sinh đảm bảo yêu cầu về năng lực cần thiết cho học sinh. Việc này có thể thực hiện ở đầu giờ, cuối giờ học. Giáo viên cũng có thể giao yêu cầu học tập cho học sinh bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Thái Viết Tường cho hay, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành hỗ trợ kinh phí cho các trường sẽ mang lại thuận lợi hơn cho các trường học nói chung và học sinh cuối cấp nói riêng.
“Địa phương cần sử dụng đúng và hiệu quả nguồn kinh phí nếu việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh cuối cấp được triển khai, nhằm tạo điều kiện học tập tối đa cho học sinh cuối cấp, đặc biệt là với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc học sinh ở vùng núi. Tuy nhiên, mục tiêu chính để thực hiện hiệu quả việc này là động viên và tạo điều kiện cho giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường và tâm huyết của mình để dạy ở các khối lớp và đối tượng theo quy định của Thông tư số 29”, ông Thái Viết Tường bày tỏ.
Theo ông Thái Viết Tường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo tới các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn khảo sát học sinh thuộc ba đối tượng: học sinh không đạt yêu cầu kiểm tra; học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi có nhu cầu thi học sinh giỏi các cấp; học sinh cần ôn tập, phụ đạo để thi tốt nghiệp và thi chuyển cấp. Từ đó, các trường học trên địa bàn tỉnh có thể sử dụng kinh phí đã được cấp từ ngân sách nhà nước để bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên, nhằm tổ chức dạy thêm cho học sinh cuối cấp. Đồng thời, nhà trường có thể huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp theo quy định của pháp luật để hỗ trợ dạy học cho học sinh cuối cấp trong trường. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã khảo sát nhu cầu của các nhà trường và báo cáo tới Ủy ban nhân dân tỉnh để xin kinh phí để tổ chức dạy bồi dưỡng đại trà, phụ đạo cho học sinh.
Ông Thái Viết Tường cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết của giáo viên. Giáo viên phải đảm bảo giảng dạy đầy đủ nội dung chương trình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, học sinh cũng cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình học tập, chủ động tự học và nghiên cứu, thay vì phụ thuộc vào việc dạy thêm, học thêm.
“Chương trình giáo dục đã được thiết kế đầy đủ và được giáo viên giảng dạy trọn vẹn trong giờ học chính khóa. Vì vậy, nếu học sinh nỗ lực tự học và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên, thì hoàn toàn có thể nắm vững kiến thức cần thiết để đáp ứng yêu cầu học tập cũng như các kỳ thi, mà không nhất thiết phải tham gia các lớp học thêm”, ông Thái Viết Tường nhấn mạnh.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.D.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam kỳ vọng rằng, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ cùng nhau phối hợp để thực hiện Thông tư số 29 hiệu quả:
“Trước hết, phụ huynh cần hiểu rõ quy định mới về dạy thêm, học thêm không chỉ nhằm siết chặt quản lý, mà còn hướng tới một nền giáo dục minh bạch và lành mạnh hơn. Do đó, phụ huynh cần chủ động nắm bắt thông tin, đồng thời động viên học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu để cải thiện chất lượng học tập.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu thực hiện Thông tư số 29, đội ngũ giáo viên cần phát huy trách nhiệm của mình bằng cách giảng dạy với tinh thần tận tâm, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và dành sự quan tâm đối với học sinh. Giáo viên cần thực hiện đầy đủ chương trình giảng dạy theo đúng thời gian, thời lượng chuẩn đã quy định. Nếu giáo viên đầu tư thêm tâm huyết vào quá trình giảng dạy, sẽ góp phần bù đắp những khó khăn có thể phát sinh khi triển khai Thông tư số 29.
Ngoài ra, các nhà trường cần tích cực tuyên truyền, giải thích để giúp phụ huynh, học sinh và giáo viên hiểu đúng về nội dung của Thông tư. Đồng thời, cần rà soát và bố trí một phần kinh phí để bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên giảng dạy cho các nhóm đối tượng được quy định trong Thông tư. Việc triển khai Thông tư số 29 không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp chính quyền, đặc biệt là Ủy ban Nhân dân các cấp, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho hay.
Trong khi đó, để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh nhằm đảm bảo hoạt động dạy thêm, học thêm thực sự hiệu quả và đúng định hướng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ có đề xuất/kiến nghị như sau:
“Nhà trường cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc của việc tổ chức dạy thêm, học thêm đến cha mẹ học sinh, cộng đồng. Cùng với đó, giáo viên cần thông tin kịp thời với cha mẹ học sinh về tình hình, kết quả học tập của học sinh; đồng thời, đề xuất với lãnh đạo nhà trường những giải pháp nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh để trao đổi về tình hình, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, qua đó đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục”.
Mạnh Dũng