Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Nhà trường cần nghĩ sâu, làm lớn

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Nhà trường cần nghĩ sâu, làm lớn
4 giờ trướcBài gốc
Đoàn công tác làm việc tại Trường THPT Ngô Gia Tự (Lập Thạch, Phú Thọ).
Đoàn công tác do Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Thế Truyền làm trưởng đoàn. Cùng đi có Phó Giám đốc Phạm Khương Duy và đại diện một số Trưởng phòng của Sở.
Xác định rõ trách nhiệm
Theo báo cáo của UBND xã Lập Thạch, trên địa bàn hiện có 15 trường (5 trường THCS, 5 trường TH và 5 trường Mầm non) công lập với 254 phòng học cùng 2 trường Mầm non tư thục.
Trong đó, 4/5 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia (3 trường đạt chuẩn mức độ 2). Các trường TH và THCS đều đạt chuẩn và mỗi cấp có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên các trường công lập là 533 người. Trong đó, đội ngũ giáo viên cấp mầm non và THCS đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Riêng cấp Tiểu học tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98,88%.
Các nhà trường được các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại… đảm bảo cho công tác dạy học 2 buổi/ngày.
Đoàn công tác khảo sát cơ sở vật chất tại Trường THPT Ngô Gia Tự.
Bên cạnh những thuận lợi, xã còn một số khó khăn vướng mắc như đội ngũ giáo viên còn thiếu, không đồng bộ về cơ cấu bộ môn và chất lượng.
Cơ sở vật chất đã được quan tâm nhưng nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng bộ môn và phòng chức năng. Thiết bị dạy học sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã hư hỏng, thiếu tính chính xác khi thực hiện thí nghiệm, thực hành.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Lập Thạch và đại diện một số nhà trường đề nghị Sở tham mưu UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giao chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên trong số biên chế chưa thực hiện. Có chính sách hợp lý hơn đối với chế độ của cô nuôi ở cấp mầm non, hướng dẫn rõ hơn về việc đổi tên trường, hướng dẫn tuyển sinh đối với trường THCS trọng điểm trong thời gian tới…
Ông Lê Quang Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Lập Thạch phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại hội nghị ông Lê Quang Nghiệp - Bí thư Đảng ủy xã Lập Thạch nêu rõ: Giáo dục Lập Thạch luôn khẳng định vị thế và đứng thứ 4 trong toàn tỉnh cũ. Cùng với đó, xã xác định 3 trụ cột làm nên chất lượng giáo dục của một địa phương đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường; đội ngũ giáo viên và học sinh.
Hiện nay về cơ sở vật chất các nhà trường trên địa bàn xã và đội ngũ giáo viên đã đảm bảo cho hoạt động dạy và học. Sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì việc đầu tư cho cơ sở vật chất cho các nhà trường sẽ là trách nhiệm của UBND xã. Riêng vấn đề trang thiết bị dạy học cần gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc đề xuất mua sắm và sử dụng.
Ông Lê Quang Nghiệp đề nghị lãnh đạo Sở có ý kiến để những năm học tới đây trường THCS chất lượng cao đóng trên địa bàn xã được tuyển sinh mở rộng, không bó hẹp trong địa bàn 1 xã. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ đối với giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi để kịp thời động viên và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Tâm thế mới, trách nhiệm mới
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Thế Truyền thông tin khái quát về ngành giáo dục sau khi sáp nhập 3 tỉnh và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Theo đó, sau sáp nhập, ngành Giáo dục Phú Thọ hiện có 1.957 cơ sở giáo dục, xếp thứ 3 cả nước về quy mô. Đội ngũ cán bộ, giáo viên gần 60.000 người (chưa tính khối giáo dục nghề nghiệp), với gần 1 triệu học sinh.
Ông Phạm Khương Duy - Phó GĐ Sở GD&ĐT Phú Thọ thông tin về một số vấn đề mà các nhà trường quan tâm.
Ông Trịnh Thế Truyền nhấn mạnh: Quy mô lớn đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời là trách nhiệm tham mưu của ngành Giáo dục với cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và cấp xã.
Đánh giá về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Giám đốc Sở cho biết Phú Thọ đứng thứ 5/34 tỉnh, thành về điểm trung bình các môn thi. Đặc biệt, sau gần 3 tuần vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, Sở GD&ĐT đã chuyển trụ sở về địa điểm mới, cơ sở vật chất khang trang, bộ máy vận hành thông suốt, ổn định.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ kết luận hội nghị.
Đề cập đến chất lượng giáo dục tại khu vực Lập Thạch, ông Trịnh Thế Truyền bày tỏ sự vui mừng khi địa phương này dù trước đây còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn duy trì chất lượng giáo dục trong tốp đầu của tỉnh Vĩnh Phúc cũ.
Liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, trang thiết bị dạy học, tại buổi làm việc, các bên đã làm rõ, thống nhất về cơ chế quản lý, đầu tư.
Đối với các khoản thu của nhà trường theo nghị quyết HĐND tỉnh, Giám đốc Sở cho biết đang rà soát để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tại kỳ họp gần nhất. Với những nghị quyết còn hiệu lực, đủ điều kiện áp dụng, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để các trường triển khai. Song song đó, Sở đang tham mưu ban hành quy chế phối hợp về phân cấp, phân quyền quản lý giáo dục giữa 148 xã với Sở và các cơ quan liên quan.
Riêng việc mở rộng Trường THPT Ngô Gia Tự và đầu tư cơ sở vật chất cho Trường THCS Lập Thạch, Sở sẽ đề xuất với cấp trên trong thời gian sớm nhất. Với đề xuất mở rộng địa bàn tuyển sinh cho trường THCS chất lượng cao và chính sách hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, Sở đã giao phòng chuyên môn nghiên cứu, tham mưu đảm bảo đúng quy định.
Đối với các nhà trường, ông Trịnh Thế Truyền lưu ý: Các thầy cô cần thấy được trách nhiệm lớn hơn khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt trong vấn đề thi đua dạy tốt – học tốt, các nhà trường cần khắc phục khó khăn, có động lực, quyết tâm và cần nghĩ sâu, làm lớn để có kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế, nghe báo cáo sơ lược của các trường: THPT Ngô Gia Tự, THCS Lập Thạch, Tiểu học Tử Du và Mầm non Vân Trục.
Long Anh - Minh Sơn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/giam-doc-so-gddt-phu-tho-nha-truong-can-nghi-sau-lam-lon-post740411.html