Lái xe ô tô không quá 10 giờ/ngày
Thông tư 71/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, quy định về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Điều 13 của Thông tư số 71 quy định trách nhiệm của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải, ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ, như sau:
Chịu trách nhiệm quản lý thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trong thời gian được giao lái xe.
Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ Luật Lao động.
Chấp hành về thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ Luật Lao động.
Thông báo kịp thời cho đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện khi thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không hoạt động hoặc mất kết nối.
Thông tư 71/2024 còn quy định, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chủ phương tiện xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ có trách nhiệm:
Quản lý phương tiện, lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trên phương tiện theo quy định, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; Truyền dẫn chính xác, đầy đủ, liên tục dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư này về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông;
Bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời trong việc cung cấp dữ liệu, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu truyền về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông; đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu;
Cảnh báo cho người lái xe về việc thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không truyền dữ liệu về máy chủ dịch vụ;
Cập nhật, lưu trữ có hệ thống dữ liệu về hành trình của phương tiện tham gia giao thông đường bộ và hình ảnh người lái xe trong thời hạn tối thiểu 1 năm đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình và 3 tháng đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trực tiếp thực hiện hoặc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các nội dung quy định tại điều này.
Đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm đảm bảo cung cấp thiết bị tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe;
Bảo đảm tính khách quan, chính xác, kịp thời trong việc cung cấp dữ liệu, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu truyền về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông;
Cảnh báo cho đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, người lái xe về việc thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không truyền dữ liệu về máy chủ dịch vụ;
Cập nhật, lưu trữ có hệ thống dữ liệu về hành trình của phương tiện tham gia giao thông đường bộ và hình ảnh người lái xe trong thời hạn tối thiểu 1 năm đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình và 3 tháng đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Nhiều doanh nghiệp vận tải chủ động xây dựng phương án
Liên quan đến vấn đề này, anh Lê Vă Hưởng, lái xe khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng chia sẻ: “Mỗi chuyến xe tôi chạy nếu đường thông thoáng thì mất 2 giờ 30 phút là lên đến bến xe Giáp Bát, nếu tắc đường thì mất 3 giờ đồng hồ. thường thì mỗi ngày tôi chạy 4 lượt mất khoảng 11 giờ. Như vậy, theo quy định mới tôi sẽ phải giảm một lượt di chuyển để đảm bảo đúng quy định”.
Theo anh Hưởng, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thay đổi quy định mới bằng cách cứ 2 đến 3 xe lại được bổ sung thêm một tài xế để thay ca trong ngày. Đơn vị cũng đã thông báo vẫn giữ mguyên mức lương mặc dù thời gian làm việc đã được giảm xuống 1 giờ đồng hồ.
Theo anh Nguyễn Hoài Nam lái xe hợp đồng chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã nắm được những quy định mới về việc quản lý lái xe. Việc giảm giờ lái xe trong ngày đối với tài xế sẽ giúp người lái được nghỉ ngơi nhiều hơn, sức khỏe đảm bảo hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm lái xe đối với những chuyến đi đường dài”.
Anh Nam thông tin, việc giảm giờ làm chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu nhập vì lương được trả theo chuyến, cung đường… giờ gian lái ít hơn thì thu nhập chắc chắn sẽ giảm đi. Chỉ mong doanh nghiệp tính toán để công việc tài xế được đều và thu nhập được giữ nguyên để cuộc sống được đảm bảo.
Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Quang Huy, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến Hà Nội – Điện Biên chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang vận hành với 1 tài xế và 1 phụ cho mỗi chuyến xe. Theo quy định mới này, công ty chúng tôi sẽ áp dụng 2 phương án đó là bổ sung thêm lái xe sao cho các tài xế thay ca nhau phù hợp, đảm bảo quy định. Phương án 2 chúng tôi áp dụng là mỗi chuyến xe sử dụng 2 tài xế. Như vậy, tài xế không lái xe sẽ làm công việc của phụ xe”.
Theo anh Huy, việc quy định tài xế không lái quá 10 giờ đồng hồ mỗi ngày ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, như vậy sẽ đảm bảo được sức khỏe của tài xế từ đó đảm bảo được sự an toàn của hành khách cũng như phuơng tiện.
Phạm Công