Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội

Giảm mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội
5 giờ trướcBài gốc
Giáo dục tại trường giáo dưỡng là một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng. Ảnh: ITN
Gỉam mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên phạm tội
Trong công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, luật gồm 179 điều, 5 phần và 10 chương.
Luật bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên. Mục đích, nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên.
Đồng thời, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên phạm tội và sự an toàn của bị hại, cộng đồng; giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.
Luật Tư pháp người chưa thành niên giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn; không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.
Luật này cũng giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù, trừ trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên.
Người chưa thành niên thi hành án phạt tù tại trại giam riêng
Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
Luật cũng quy định người chưa thành niên thi hành án phạt tù tại trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân để có môi trường giáo dục, phục hồi tốt nhất. Đồng thời, luật nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành xong án phạt tù.
Nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng
Luật bổ sung nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên (Điều 36).
Quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng bao gồm: 1. Khiển trách. 2. Xin lỗi bị hại. 3. Bồi thường thiệt hại. 4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 5. Quản thúc tại gia đình. 6. Hạn chế khung giờ đi lại. 7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề. 10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý. 11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. 12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng…
Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15 được được Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 30/11/2024, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Về sự cần thiết ban hành luật, Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Luật khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành: (1) Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; (2) Các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; (3) Thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; (4) Chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; (5) Quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; (6) Chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (7) Pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng. Đặc biệt, Luật góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên.
Minh Dương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giam-muc-hinh-phat-cao-nhat-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-404925.html