Một số mặt hàng như ô tô, gỗ, ethanol, đùi gà đông lạnh, quả táo tươi, cherry, hạnh nhân, hạt dẻ cười, nho khô… đã được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) thấp hơn từ ngày 31-3. Đây là nội dung nằm trong Nghị định 73 năm 2025 sửa đổi bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, vừa được Chính phủ ban hành.
Các chuyên gia đánh giá đây là động thái hết sức kịp thời từ phía Chính phủ, đảm bảo mức thuế quan hài hòa, đối xử công bằng giữa các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Biện pháp giảm thuế trước đòn thuế đối ứng của Mỹ là kịp thời
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đánh giá Nghị định 73 mà Chính phủ vừa ban hành tại thời điểm này là rất đúng thời điểm. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có thể áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia.
Đồng thời, theo ông Lực, việc rà soát định mức các sắc thuế là việc chúng ta phải làm thường xuyên và định kỳ. Ngoài ra, về mặt kinh tế tài chính, Nghị định 73 tương đối đúng đắn bởi khi giảm thuế suất cho một số mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu là mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân thì khi những mặt hàng này vào Việt Nam sẽ giảm giá thành. Từ đó sẽ giúp kích cầu nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Lực, điều quan trọng nhất hiện nay là sự nghiêm túc trong thực thi các quy định đã ban hành. "Trong thương mại, niềm tin là nền tảng cho quan hệ bền vững. Khi thực thi tốt, đối tác sẽ tin tưởng và hợp tác lâu dài".
Khi thương mại hai chiều được thúc đẩy trên cơ sở lợi ích hài hòa, các nước sẽ có xu hướng ứng xử công bằng hơn với Việt Nam. Doanh nghiệp được hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, còn người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa với giá cả hợp lý.
Giảm thuế sẽ tăng sức cạnh tranh hàng Việt
Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Mỹ. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này là 9,1 tỷ USD, phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đều thuộc nhóm tinh chế như đồ mộc, nội thất… và các mặt hàng này thì hiện đang được hưởng mức thuế suất là 0%. Còn trước đó, ở chiều ngược lại Việt Nam áp mức thuế từ 15-25% đối với các sản phẩm gỗ của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam.
Và trong suốt thời gian vừa qua khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng – là thuế có qua có lại với hàng hóa của tất cả các quốc gia – đã khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam lo ngại khi mức thuế nhập khẩu của Việt Nam đang cao hơn Mỹ.
Tuy nhiên mới đây, theo Nghị định 73 thì mức thuế nhập khẩu với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ giảm xuống còn 0%, tức là ngang bằng với thuế từ phía Mỹ. Trao đổi với PV, phía Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong Hiệp hội đánh giá rất cao và hưởng ứng chính sách giảm thuế nhập khẩu mà Việt Nam mới ban hành.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Quyết định của Chính phủ là sự động viên rất lớn và Hiệp hội ngành gỗ kỳ vọng phía Mỹ sẽ xem xét một cách công bằng, minh bạch và thỏa đáng để không áp thuế đối ứng vào các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp gỗ Việt kỳ vọng sau động thái giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, Mỹ sẽ không áp thuế đối ứng vào các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Ảnh: MINH TRÚC
Ông Hoài cũng cho biết, chính sách giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mới của Việt Nam có thể sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các sản phẩm gỗ sản xuất tại Việt Nam với các sản phẩm gỗ nhập khẩu. Nhưng ông Hoài cho rằng các doanh nghiệp chế biến để phục vụ thị trường nội địa cũng hết sức chia sẻ với điều này.
“Không còn cách nào khác, chính sách giảm thuế nhập khẩu hoàn toàn phù hợp. Tôi cho rằng yếu tố then chốt trong bối cảnh hiện nay là các doanh nghiệp nội địa cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến các chính sách hậu mãi để nâng cao năng lực canh tranh mạnh hơn nữa”.
Theo các chuyên gia, kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa 2 nước. Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng nhiều lần gặp gỡ đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan.
Đánh giá cao quyết định nhanh nhạy khi ban hành Nghị định 73 trong bối cảnh hiện nay, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, sau động thái này của Việt Nam thuế đối ứng với mặt hàng gỗ có thể được loại trừ.
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp khác có thể bị tổn thương bởi thuế đối ứng. Đó là mặt hàng đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép… Bởi đây vẫn là các ngành hàng chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Từ thực tiễn đó, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Nhưng vẫn cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Mỹ; tăng nhập khẩu các thiết bị y tế cao cấp, khí hóa lỏng, hàng tiêu dùng, nông sản phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi…
Giảm thuế cho ô tô nhưng giá bán khó giảm
Một điểm đáng chú ý được nhiều người dân quan tâm tại Nghị định 73 đó là mức thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho các dòng xe ô tô ngoại.
Theo Nghị định 73, mức thuế nhập khẩu ưu đãi được giảm với 3 dòng xe là: xe chở người có khoang chở hành lý chung và ô tô thể thao dung tích xi lanh từ 2.000cc đến 2.500cc; ô tô kiểu sedan dung tích xi lanh từ 2.000cc đến 2.500cc và ô tô khác thuộc loại 4 bánh chủ động. Mức thuế theo Nghị định này lần lượt là 50%, 50% và 32%.
Chia sẻ với PV sau thông tin này, anh Nghiêm Hải, chủ Công ty XNK Ô tô Tây Đô tỏ ra phấn chấn và cho biết Nghị định ban hành sẽ giúp giá ô tô nhập khẩu giảm đáng kể, qua đó tác động tích cực đến thị trường xe nói chung. Đặc biệt, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn hấp dẫn từ các thương hiệu xe Mỹ.
Điều này cũng đồng nghĩa tạo áp lực buộc các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiết giảm chi phí, thậm chí phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư sản xuất để có mức giá hợp lý song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi...
Người dân kỳ vọng việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với ô tô sẽ giúp người dân tiếp cận với các thương hiệu xe Mỹ. Ảnh: MINH TRÚC
Tuy nhiên, anh Hải cũng bày tỏ lo ngại và cho biết, nếu thuế nhập khẩu ưu đãi giảm 10% thì thuế tiêu thụ đặc biệt đã "ăn" hết 50% trong đó nên giá xe thực chất giảm được 5%. Bên cạnh đó, do giá hàng hóa nhập khẩu còn tăng mỗi năm theo tỉ giá, các hãng tăng chi phí sản xuất... nên tính chung mức giảm của giá bán ra sẽ khó tương đương với giảm thuế suất.
Bộ Tài chính cho biết, thị trường ô tô Việt Nam hiện có quy mô khoảng 510.000 xe/năm. Trong đó, sản lượng sản xuất và lắp ráp trong nước đạt 338.000 xe/năm, trong khi hơn 173.000 xe còn lại được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước ASEAN đang áp dụng mức thuế suất FTA là 0%. So với các quốc gia trong khu vực, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn khá nhỏ.
Theo quy định trước đó, xe chở người có khoang chở hành lý chung và ô tô thể thao có dung tích xi lanh từ 2.000cc đến 2.500cc; ô tô kiểu sedan có dung tích xi lanh từ 2.000cc đến 2.500cc và ô tô khác thuộc loại 4 bánh chủ động chịu thuế suất khá cao, lần lượt là 64%, 64% và 45%.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ ô tô tại Việt Nam có thể đạt từ 1 đến 1,1 triệu xe/năm. Điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 5 năm tới, ngành ô tô trong nước cần phải đạt mức tăng trưởng gấp đôi so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước chủ yếu tập trung vào các dòng xe có dung tích xi lanh thấp (dưới 2.000cc), phù hợp với đa số nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các dòng xe có dung tích xi lanh cao hơn chủ yếu phải nhập khẩu do trong nước chưa có cơ sở sản xuất phù hợp.
Do đó, theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế MFN với 3 dòng xe trên có thể thúc đẩy dịch chuyển thương mại, giúp người dân tiếp cận các dòng xe cao cấp với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ô tô không chỉ phụ thuộc vào thuế suất mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như thị hiếu, giá cả, dịch vụ hậu mãi, mức tiêu hao nhiên liệu.
Bên cạnh ô tô, nông sản cũng là nhóm hàng hưởng lợi lớn từ chính sách thuế mới. Chỉ trong ba tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu nông sản đã đạt trên 7 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ và các quốc gia châu Á tiếp tục là những thị trường cung ứng chủ lực, riêng hàng hóa từ Mỹ tăng hơn 9% so với cùng kỳ.
Trước thông tin một số mặt hàng nhóm nông sản được giảm thuế nhập khẩu, anh Đức Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng.
Anh Minh cho hay những mặt hàng được giảm thuế MFN là những mặt hàng quen thuộc với người dân và anh kỳ vọng việc giảm thuế này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, từ đó người dân sẽ tiết kiệm một khoản khi mua sắm.
"Tôi nghĩ quả Cherry, nho khô hay hạnh nhân và các mặt hàng được giảm thuế không còn quá xa lạ với người Việt nữa. Tôi hy vọng sau khi giảm thuế nhập khẩu, giá bán cũng sẽ giảm".
Bà Phan Thị Hoài Thương, Giám đốc siêu thị Winmart Thăng Long cho biết, một số mặt hàng nông sản và đông lạnh được giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp các nhà cung ứng tiết kiệm được một phần giá vốn từ việc này. Từ đây, các nhà cung ứng sẽ có nguồn vốn để quay vòng để đầu tư sản xuất thêm những mặt hàng thiết yếu để nguồn hàng đa dạng hơn.
MINH TRÚC